Sẽ lập dữ liệu “đen” những tài khoản ngân hàng từng mua bán

Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tập hợp tất cả những tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân đã từng mua bán tài khoản để đưa vào kho dữ liệu "đen", để từ đó đưa ra cảnh báo tới các ngân hàng… Nếu phát sinh giao dịch, thay vì thao tác trực tuyến thì mời khách hàng ra quầy.

Ngày 13/5, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã tổ chức Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Tại đây, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, hiện có đến 80% người trưởng thành tại Việt Nam sử dụng internet. Đây là môi trường lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoạt động.

Thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, thường đặt máy chủ ở nước ngoài, thuê đất để có lãnh địa riêng khiến ngay cả công an nước sở tại cũng khó thâm nhập. Do đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm này gặp rất nhiều thách thức.

tai-khoan-den-1715681382.jpg
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Ảnh: Tiền Phong)

Năm 2023, A05 tiếp nhận hơn 5.300 vụ việc từ các nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến. Tổng số tiền thiệt hại lên tới hơn 2.487 tỷ đồng.

Phương thức lừa đảo được các đối tượng sử dụng chủ yếu: Tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiếm 44,7%. Khoảng 17,73% là phát tán mã độc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội. Khoảng 11,56% là gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, tòa án, nhân viên ngân hàng…

Với thủ đoạn tạo lập sàn giao dịch kêu gọi đầu tư tiền ảo, chứng khoán để lừa đảo chiếm 13,2%. Giả danh công ty tài chính tải ứng dụng vay tiền chiếm khoảng 8,6%. Còn các loại lừa đảo khác chiếm 4,7%. Trong đó, A05 đã khởi tố 15.00 vụ án với hơn 500 bị can liên quan đến lừa đảo trực tuyến.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện có 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhưng qua thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng có thể rút ngắn thành 3 phương thức chính như sau: Thứ nhất, thao túng tâm lý để bị hại tự gửi tiền đến tài khoản chỉ định. Thứ hai, chiếm dụng thiết bị của người dùng và sau đó chuyển tiền đi. Thứ ba, lấy thông tin xác thực của người dùng để cài sang thiết bị khác…

tai-khoan-den-2-1715681382.jpeg
Năm 2023, A05 tiếp nhận hơn 5.300 vụ việc từ các nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 95% các giao dịch của hệ thống ngân hàng hiện nay thao tác trên kênh số, chỉ 5% là tại quầy. Tổng giá trị các giao dịch khoảng 200 triệu tỷ đồng/năm. Nếu chia cho ngày làm việc thì 830 ngàn tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 40 tỷ USD.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, đó mới chỉ là giao dịch thanh toán, chưa kể huy động, cho vay... Do đó, ngành ngân hàng coi an ninh bảo mật là trọng yếu. Với ngành ngân hàng, mất thông tin, dữ liệu là mất tiền. Bởi vậy, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt xác thực sinh trắc học và làm sạch dữ liệu khách hàng.

Từ ngày 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt xem có chính xác với khuôn mặt của người mở tài khoản hay không (xác thực sinh trắc học). Khuôn mặt của chủ tài khoản phải được xác thực với căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an quản lý.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập hợp những tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân đã từng mua bán tài khoản để đưa vào kho dữ liệu "đen". “Nếu số căn cước công dân của khách hàng rơi vào kho dữ liệu "đen" này thì chúng tôi yêu cầu tăng cường mức xác thực. Nếu phát sinh giao dịch, chúng tôi sẽ cảnh báo tới ngân hàng. Thay vì giao dịch điện tử thì mời khách hàng ra quầy. Với việc làm sạch dữ liệu được tiến hành như trên, tình trạng cho thuê tài khoản ngân hàng sẽ được hạn chế rất nhiều”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, ngành Công an cũng đang tích cực phối hợp với các bộ ngành dẹp nạn sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”. Riêng tháng 4/2024, A05 đã phối hợp Bộ Thông tin và truyền thông gỡ hơn 2.100 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo.

Cục trưởng A05 nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng phải là thế trận toàn dân. Người dân cũng cần tích cực nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, tránh tình trạng ngay cả khi mất tiền cũng không rõ nguyên nhân do đâu.

Ngoài ra, Trung tướng Chính cũng khẳng định sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cần được cải thiện. Bởi các cơ quan, ban ngành làm việc theo quy định hành chính nhưng tội phạm mạng thì biến đổi từng giây, từng phút, hành động chỉ thông qua vài cú click chuột.