Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ thị nêu, để thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chính phủ xác định phương châm tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau".
Trong đó nội dung nổi bật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với NHNN khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính.
Vào tháng đầu năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung quan trọng để ngăn chặn tình trạng trên. Theo đó, luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin. Cụ thể trong đó cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng.
Cũng theo luật này, một cá nhân chỉ sở hữu tối đa 3% vốn điều lệ ngân hàng, trong khi trước đây là 5%. Một tổ chức sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ ngân hàng (trước đây là 15%). Nhóm cổ đông và các bên liên quan sở hữu tối đa còn 15%, giảm 5% so với trước đây.
Trước đó, khi thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) các Đại biểu Quốc hội đã nêu lên một thực tế, các chủ nhà băng có thể "phân thân" cổ phần thành cả "phả hệ".
Liên quan đến ngành ngân hàng, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tích cực triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân dễ dàng trong việc lựa chọn nhà băng có mức lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn.
Đáng chú ý, trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu NHNN dành thời gian tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp với từng doanh nghiệp hay dự án đủ điều kiện… Ngoài ra, NHNN tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và triển khai việc cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến.
Về việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng cũng phải được tích cực đẩy mạnh, đó là: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cải tạo lại chung cư cũ…
TS Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính - ngân hàng từng chia sẻ, sở hữu chéo trong ngành ngân hàng là hiện tượng tồn tại và kéo dài hàng chục năm nay. Đó là việc một nhóm cổ đông cấu kết với nhau để sở hữu trên 51% cổ phần, từ đó tạo ra quyền lực “mềm” để thao túng hoạt động ngân hàng. Ví dụ điển hình là vụ án Vạn Thịnh Phát, khi trên 90% vốn cổ phần của ngân hàng SCB thuộc sở hữu của nhóm bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, theo quy định, bà Lan là cổ đông cá nhân thì không thể sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Thế nhưng, để giật dây và biến SCB thành công cụ tài chính, bà Lan nhờ nhân viên trong công ty, bà con, người quen đứng tên hộ. Từ đó, SCB bị chi phối bởi một nhóm cổ đông này. Đó cũng là điều kiện để Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có thể thao túng hoạt động ngân hàng này.