Hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị bỏ mỗi năm làm gia tăng ô nhiễm môi trường, tốn chi phí xử lý

Theo các chuyên gia, rác thực phẩm trong quá trình phân hủy thải ra khí metan - một khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu. Nếu không được phân loại và xử lý đúng cách, rác thực phẩm sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và đe dọa sức khỏe con người.

Lãng phí hàng triệu tấn thực phẩm

Rác thực phẩm chủ yếu là thức ăn thừa, chiếm tỷ lệ đáng kể trong lượng rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình. Theo thống kê từ Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam, cơm, bún, phở, mì là các loại thức ăn bị lãng phí nhiều nhất, chiếm tới 68%. Tiếp theo là thịt, cá đã nấu chín, rồi tới rau củ.

Mỗi năm, Việt Nam thất thoát hoặc lãng phí hơn 8 triệu tấn thực phẩm vẫn còn giá trị sử dụng hoặc có thể tái sử dụng, gây tổn thất kinh tế lên tới 3,9 tỷ USD, tương đương gần 2% GDP. Điều đáng lo ngại là lượng rác thải thực phẩm này không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường khi chúng thẩm thấu xuống đất, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và đất đai.

Rác thực phẩm tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và đe dọa sức khỏe con người

Ghi nhận thực tế trên địa bàn Hà Nội, tại điểm tập kết rác ở ngã tư phố Quan Hoa - Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), mỗi ngày có hàng chục xe gom rác được tập trung. Trên hầu hết các xe này, túi đựng rác thải thức ăn thừa xếp chồng lên nhau. Nhiều túi rác bị rách hoặc bung, làm đồ ăn thừa rơi vãi, trộn lẫn nước rỉ rác, gây mùi hôi thối nồng nặc.

Tương tự, tại điểm tập kết trên đường Vũ Trọng Khánh, phường Mỗ Lao (quận Hà Đông), các xe gom rác chất đầy đủ loại rác thải, trong đó rác thực phẩm chiếm phần lớn. Nhiều túi chứa thức ăn thừa, hoa quả hỏng, dầu mỡ đã qua sử dụng... tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, mất vệ sinh.

Cảnh tượng này cũng lặp lại tại điểm tập kết rác ở ngã ba phố Đốc Ngữ - Đội Cấn (quận Ba Đình). Vào mỗi buổi tối, hàng chục xe gom rác tập trung chờ xe ép rác đến vận chuyển đi. Thực phẩm thừa rơi vãi trên đường, nước rỉ rác tràn lan khiến khu vực này luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Rác thải thực phẩm không chỉ phát sinh từ các hộ gia đình mà còn từ các chợ rau, thực phẩm và hệ thống nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Tại nhiều nhà hàng, thức ăn dư thừa thường bị xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ quá trình xử lý nào. Theo các chuyên gia, mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường hơn 3.600 tấn rác thực phẩm, tạo áp lực lớn đối với hệ thống quản lý rác thải của thành phố.

Chưa có nhà máy xử lý riêng cho rác thực phẩm

Ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSON hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Công văn nêu rõ, rác thải thực phẩm là một trong những loại bắt buộc phải phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người dân chưa thực hiện đúng quy định này.

Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn thuộc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, việc phân loại rác thực phẩm tại nguồn gặp nhiều khó khăn. Quá trình đơn vị thu gom, vận chuyển, rác thực phẩm thường bị đổ lẫn với các loại rác khác.

Rác thực phẩm chủ yếu là thức ăn thừa, chiếm tỷ lệ đáng kể trong lượng rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình

Ngày 1/6 vừa qua, Hà Nội đã triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 5 quận, trong đó phường Phú Đô và Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) được chọn thí điểm. Sau gần 6 tháng thực hiện, ý thức phân loại rác của người dân đã có cải thiện, chủ yếu với rác cồng kềnh và chất thải rắn. Tuy nhiên, rác thực phẩm vẫn chưa được phân loại riêng biệt.

Thực tế, hiện chưa có nhà máy xử lý riêng cho rác thực phẩm nên loại rác này vẫn được xử lý như chất thải rắn thông thường. Tại khu vực ngoại thành, một số người dân đã tận dụng rác thực phẩm để làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi, nhưng các mô hình này còn nhỏ lẻ, chưa được mở rộng.

Theo các chuyên gia, rác thực phẩm trong quá trình phân hủy thải ra khí metan - một khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu. Nếu không được phân loại và xử lý đúng cách, rác thực phẩm sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và đe dọa sức khỏe con người.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, lãng phí thực phẩm không chỉ sản sinh khí nhà kính - tác nhân chính gây biến đổi khí hậu mà còn làm ô nhiễm môi trường sống. Rác thực phẩm khi thải ra môi trường sẽ bị vi sinh vật phân hủy, tạo ra chất độc. Nước rỉ rác đen ngấm xuống mạch nước, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Chất thải từ thực phẩm, cùng các chất thải hữu cơ khác, gây ô nhiễm nhanh hơn và ở mức độ nghiêm trọng hơn.

PGS.TS. Phạm Thị Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông cũng nhấn mạnh, lượng thực phẩm bị thải bỏ không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm tăng chi phí xử lý. Rác thực phẩm chứa nhiều nước, nên khi đốt cần bổ sung nhiệt lượng lớn, gây tốn kém năng lượng.

Theo ước tính, lãng phí và thất thoát lương thực chiếm khoảng 10% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc cắt giảm chất thải từ thực phẩm cần bắt đầu từ việc thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Sử dụng thực phẩm một cách hợp lý không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc từ ngày 1/1/2025. Để đảm bảo hiệu quả, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể nhằm xử lý và tái chế rác thực phẩm, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.