Theo truyền thông mới đây, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang chuẩn bị thách thức nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới Nvidia với một con chip trí tuệ nhân tạo mới mang ten Ascend 910C. Điều này mang tính bước ngoặt trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế tiến trình công nghệ của công ty ngày càng chặt.
Công ty đã bắt đầu thử nghiệm chipset với các đối tác viễn thông và internet khác nhau của Trung Quốc để kiểm tra tiềm năng tổng thể cũng như hiệu quả hoạt động. Với một vài kết quả thử nghiệm, nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc đã thông báo với khách hàng của mình rằng bộ xử lý AI mới nhất có thể dễ dàng cạnh tranh với Nvidia H100.
Được biết, công ty đã thực hiện các thử nghiệm này trong vài tuần qua. Huawei đang hướng tới mục tiêu xuất xưởng những con chip tiên tiến này, sớm nhất là vào tháng 10 năm nay.
Trước đó, từ năm 2022, các cơ quan quản lý của Mỹ đã bắt đầu áp đặt các lệnh hạn chế đối với Nvidia nhằm ngăn chặn công ty này bán chip AI, bao gồm cả H100 cho các công ty của Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Việc bị hạn chế tiếp cận với các nguồn chip AI thời gian đầu đã khiến Huawei gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với làn sóng tự lực tự cường, nỗ lực tự chủ nguồn công nghệ nội địa do chính phủ Trung Quốc phát động, Huawei và các công ty công nghệ của nước này đã từng bước đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực chip bán dẫn vốn dĩ rất khó chinh phục này.
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước và đã đầu tư thêm 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD) vào quỹ chip nhằm mục đích củng cố lĩnh vực công nghệ của nước này.
Các báo cáo mới cũng cho biết, những khách hàng tiềm năng dự định mua con chip Ascend 910C của Huawei bao gồm các công ty internet và nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc. Trong đó, có cả công ty mẹ của TikTok là ByteDance, Baidu và China Mobile. Các công ty đều đang trong giai đoạn thử nghiệm và thảo luận để có thể nắm được nguồn cung chip AI này.
Huawei và các khách hàng tiềm năng đã đàm phán để có hơn 70000 đơn đặt hàng chip. Những đơn hàng này có thể trị giá 2 tỷ USD. Với bộ xử lý AI mới, Huawei sẽ có thể ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua chipset AI thông minh.
Mặc dù vậy, thực tế Huawei cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn bao gồm sự chậm trễ trong sản xuất các loại chip hiện tại, chưa kể viễn cảnh bị Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh hạn chế sâu hơn, có thể ảnh hưởng đến khả năng mua các linh kiện máy móc và chip nhớ cho AI.
Năm ngoái, một phân tích về điện thoại thông minh Mate 60 Pro của Huawei đã tiết lộ một con chip do nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC sản xuất dường như hỗ trợ 5G, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ này.
Sự hồi sinh trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của Huawei, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay, đang đặt ra thách thức cho Apple tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của công ty. Theo báo cáo của Canalys, Apple đã bị loại khỏi danh sách năm nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc trong quý 2 do sự cạnh tranh từ các thương hiệu trong nước như Huawei ngày càng tăng mạnh.
Huawei đang là tâm điểm trong các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ mạng lưới và chuỗi cung ứng của Mỹ. Vào năm 2018, Mỹ đã cấm các cơ quan của mình mua thiết bị hoặc dịch vụ của Huawei. Huawei sau đó đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019, cấm các công ty Mỹ bán công nghệ — bao gồm cả chip 5G — cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Vào năm 2020, chính quyền Mỹ tiếp tục thắt chặt các hạn chế về chip đối với Huawei, yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép mới được bán chất bán dẫn cho Huawei. Gần đây nhất, vào tháng 5, Mỹ đã thu hồi một số giấy phép, bao gồm cả giấy phép của Intel và Qualcomm, khiến các công ty này không thể tiếp tục bán chip cho Huawei khiến cho những tình huống của công ty Trung Quốc đã khó càng thêm khó.