Câu chuyện hàng chục nghìn căn hộ tái định cư ở Hà Nội và TP.HCM bị bỏ hoang, không có người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm, trong khi người dân không thể tiếp cận được với nhà ở đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả cơ quan chức năng lẫn dư luận trong thời gian qua.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được nhiều chuyên gia chỉ ra, nhưng một trong những lý do chính là cơ chế bồi thường vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo Luật Nhà ở 2013, người dân bị Nhà nước thu hồi đất sẽ được nhận bồi thường bằng đất ở, nhà xây sẵn hoặc tiền.
Tuy nhiên, đa số người dân đều sẽ nhận tiền thay vì nhận nhà. Bởi lẽ, nhiều nơi người dân sẽ phải đóng thêm một khoản tiền đầu tư hạ tầng, lên đến vài trăm triệu đồng để được hoán đổi nhà. Dẫn ví dụ tại 1 vài địa phương, ông Châu cho biết, người dân phải nộp thêm khoảng 3 – 7 triệu đồng/m2 để nhận nhà tái định cư , nếu được bồi thường nền nhà 100m2, phải đóng thêm 300 – 700 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 quy định, giá bồi thường khi thu hồi đất phải theo bảng giá hàng năm cho HĐND tỉnh, thành phố thông qua. Còn giá đất, nhà tái định co do UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt với từng dự án. Điều này dẫn đến tình trạng giá đền bù thường thấp hơn thị trường, khiến các hộ dân trong diện giải tỏa không đủ tiền mua nhà.
Trong khi đó, nhà tái định cư thường được xây dựng ở vùng ven, thiếu gắn kết với nơi đã giải phóng mặt bằng. Điển hình như 5 tòa nhà phục vụ giãn dân phố cổ ở Long Biên, dù là rộng rãi hơn nhưng người dân không biết kinh doanh gì để có thu nhập.
Đại diện một trường hợp không “mặn mà” với nhà tái định cư, bà Thục Anh (65 tuổi) cho biết, gia đình bà đã sống hàng chục năm trong căn nhà rộng khoảng 12m2 ở sâu trong ngõ Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phải cơi nới thêm phòng ngủ cho các thành viên nhưng đây lại là nơi “tấc đất, tấc vàng”, gắn với mưu sinh.
“Khu tái định cư cách nhà 10km, không thành viên nào trong nhà muốn chuyển. Nhà tôi quyết định nhận tiền, vay mượn thêm để mua nhà ở nơi gần chỗ ở cũ giúp tiện kinh doanh, buôn bán, học hành cho các cháu”, bà Thục Anh cho biết.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, khi lập dự án tái định cư, cơ quan quản lý và chủ đầu tư đều chưa khảo sát ý kiến, nhu cầu của người dân có đất bị thu hồi. Thay vào đó, chỉ thông báo phải di chuyển chỗ ở về nơi đã xây sẵn, khiến dự án chỉ đáp ứng được chỗ ở, không tính đến công ăn việc làm, hạ tầng tiện ích phù hợp.
Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (dự thảo Nghị định) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến góp ý đã đưa ra những quy định đánh giá có tính khả thi, đáp ứng tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, quy định mới rất đúng đắn nhưng quan trọng là thực hiện để có kết quả. Do đó, khi bố trí nơi xây khu tái định cư, cần khảo sát ý kiến người dân, làm sao cho nơi ở mới thuận lợi cho cuộc sống, họ mới sẵn sàng dọn đến.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần áp dụng chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi…Song song với đó, hoàn thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư , nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng, để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống.