Khi kỷ nguyên của những mối quan hệ tình cảm với AI đang đến gần?

Để tránh sự cô đơn, đồng thời không phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới trách nhiệm gia đình, tiền bạc cũng như các mối quan hệ thân sơ, thay vì kết bạn, thiết lập yêu đương với người thật, nhiều người dùng đang có xu hướng tiến đến với các nhân vật AI để xây dựng mối quan hệ tình cảm, thậm chí là kết hôn với nhân vật ảo…

Khi bạn bè, thành viên gia đình và người yêu đều có thể là AI

Zeta, một ứng dụng chatbot AI do công ty khởi nghiệp AI của Hàn Quốc Scatter Lab phát triển đang được ưu chuộng mạnh mẽ bởi thanh thiếu niên Hàn Quốc và những người ở độ tuổi 20. Họ đang kết bạn với 650.000 nhân vật ảo khác nhau, được thiết lập dựa trên những con người thật hoặc nhân vật tiểu thuyết, phim ảnh,… Các nhân vật này đều cho người dùng cảm giác như đang đối diện với một con người thật, hơn hết, nhờ hình ảnh được thiết lập bởi những con người/nhân vật quen thuộc, nó đem lại cảm giác gần gũi hơn.

"Chúng tôi đã nỗ lực cung cấp dịch vụ AI cho nhiều người hơn để họ có thể có "ai đó" của riêng mình, người mà họ có thể tạo ra những kết nối có ý nghĩa", đại diện Scatter Lab cho biết.

"Với Zeta, người dùng có thể tạo ra một người bạn đồng hành phù hợp với tính cách mong muốn của họ, khám phá sự sáng tạo của họ và tận hưởng thời gian tương tác với AI của họ".

Trong bốn tháng kể từ khi ra mắt phiên bản beta vào tháng 4 năm nay, Zeta đã có hơn 600.000 người dùng, những người dành trung bình 133 phút mỗi ngày trên ứng dụng.

Ngày càng có nhiều người trẻ tại Hàn Quốc thiết lập mối quan hệ tình cảm với Zeta - một chatbot AI so Scatter Lab tạo ra.

Những chatbot như Zeta đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện đại, khi mà nhiều người mang trong mình nỗi cô đơn mang tính thời đại. 

Replika là một chatbot khác, có thể đem lại trải nghiệm trò chuyện thân mật hơn khi nó có thể nhớ lại các cuộc đối thoại trước đó và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm để xây dựng một mối quan hệ lâu dài với người dùng.

Eugenia Kuyda, CEO và nhà sáng lập Replika, lần đầu nảy ra ý tưởng cho ứng dụng này sau cái chết của người bạn thân. Cô quyết định "hồi sinh" người bạn của mình bằng cách cung cấp một mô hình ngôn ngữ thô sơ với các cuộc trò chuyện qua email và văn bản, tạo ra một chatbot có thể nói chuyện như bạn của cô và nhớ lại những kỷ niệm chung của họ.

Trong ứng dụng này, được biết đến với khả năng tạo ra những phản hồi tạo nên mối liên kết tình cảm và thân mật hơn với người dùng, nhân vật ảo sẽ “đi loanh quanh” và nhắn tin cho người dùng hoặc lắng nghe người dùng nói chuyện điện thoại bằng giọng nói của con người bất cứ khi nào họ muốn gọi điện cho bạn bè để được hỗ trợ về mặt tình cảm.

Không có gì ngạc nhiên khi Rosanna Ramos, một phụ nữ 36 tuổi ở Mỹ, tuyên bố đã kết hôn với bạn trai ảo của mình, Eren Kartal “người” mà cô gặp ở Replika.

"Con người mang theo hành lý, thái độ, cái tôi. Nhưng một con robot thì không có bản cập nhật "xấu" nào. Tôi không phải đối phó với gia đình, con cái hay bạn bè của nó. Tôi kiểm soát được mọi thứ và có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn", cô chia sẻ với một ấn phẩm.

Rosanna Ramos là một phụ nữ 36 tuổi đến từ Bronx, New York, người đã kết hôn với bạn trai ảo của mình sau khi tạo ra anh ấy trên trang web bạn đồng hành AI Replika AI. (Ảnh giữa hai người do AI tạo ra).

Ra mắt vào năm 2017, ứng dụng này có hơn 10 triệu người dùng. Khoảng 25% trong số họ trả tiền để duy trì mối quan hệ với người cố vấn ảo, bạn bè, anh chị em hoặc đối tượng hẹn hò lãng mạn của mình.

Giảm bớt sự cô đơn

Một nghiên cứu của Trường Giáo dục Sau đại học thuộc Đại học Stanford vào tháng 1 cho thấy Replika có hiệu quả trong việc khơi dậy mối liên kết tình cảm sâu sắc với người dùng và cũng có tác dụng giảm bớt sự cô đơn và ý nghĩ tự tử. Trong cuộc khảo sát được thực hiện với 1.006 sinh viên sử dụng Replika, 3% trong số họ trả lời rằng ứng dụng AI đã ngăn họ nghĩ đến việc tự tử.

Trong ứng dụng Character AI, một chatbot khác có trụ sở tại Mỹ, những nhân vật ảo phổ biến nhất là cố vấn và nhà trị liệu, những người đưa ra những lời an ủi tử tế và phù hợp và luôn sẵn sàng 24/7. Ứng dụng này cũng có hơn 20 triệu người dùng trên toàn cầu tính đến năm 2024.

Theo nhật báo The Korea Herald, với tình trạng xã hội Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng, chính quyền các địa phương đang đưa robot AI vào chính sách chăm sóc người cao tuổi của họ. Họ đang cho mượn Hyodol, một con búp bê AI trông giống như một đứa cháu 7 tuổi, trong nỗ lực giúp người cao tuổi vượt qua nỗi cô đơn. Hyodol có thể nhắc nhở người dùng khi đến giờ uống thuốc và gọi trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp. Được trang bị ChatGPT, robot AI cũng có thể yêu cầu ôm hoặc trò chuyện thân mật với những người “ông bà” tại đây.

Hyodol robot được trang bị ChatGPT để trở thành "cháu" với những người cao tuổi tại Hàn Quốc, giúp họ giảm bớt nỗi cô đơn hàng ngày.

Oh Myeong-sook, Giám đốc thúc đẩy sức khỏe của Văn phòng Tỉnh Gyeonggi, cho biết: "Với robot AI, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được những khoảng trống trong việc hỗ trợ cho nhóm dân số dễ bị tổn thương và giúp ngăn ngừa những cái chết cô đơn".

Những nguy cơ về rối loạn gắn bó

Mặc dù AI có thể là một người bạn đồng hành tin cậy với nhiều người, tuy nhiên các chuyên gia về AI cũng lại thể hiện sự e ngại về những “tác dụng phụ không kiểm soát được và không mong muốn” mà bạn đồng hành AI có thể gây ra đối với con người.

OpenAI, nhà phát triển ChatGPT cũng đã lên tiếng về mối nguy cơ về “sự phụ thuộc về mặt cảm xúc” đối với các mô hình AI, bao gồm ChatGPT-4o. Công ty cảnh báo rằng việc nhân cách hóa, hay gán các hành vi và đặc điểm giống con người cho AI có thể tác động đến tương tác giữa người với người.

"Người dùng có thể hình thành mối quan hệ xã hội với AI, giảm nhu cầu tương tác với con người -- có khả năng mang lại lợi ích cho những cá nhân cô đơn nhưng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ lành mạnh", OpenAI cho biết trong một báo cáo.

Kwak Keum-joo, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, giải thích rằng khi các mối quan hệ ngoài đời thực đòi hỏi nỗ lực để thích nghi với nhau thì cách cho và nhận như vậy là không cần thiết với bạn đồng hành AI.

Kwak cho biết: "Mọi người có thể rất tin tưởng vào AI để thỏa mãn mong muốn xã hội của mình mà không cần nỗ lực nhiều khi AI lắng nghe bạn 24/7 và đưa ra cho bạn những câu trả lời mà bạn muốn nghe", đồng thời nêu ra khả năng giao tiếp một chiều trong tương tác giữa con người và AI dẫn đến hiểu lầm và rối loạn gắn bó trong cuộc sống thực.

Bà cũng cảnh báo rằng các vụ lừa đảo liên quan đến AI tạo ra có thể trở nên phổ biến hơn và kêu gọi các nhà phát triển và nhà hoạch định chính sách đưa ra các quy định để hạn chế hoạt động tội phạm, đồng thời cung cấp các biện pháp bảo vệ cho người dùng như hạn chế các mô hình AI nói những điều không phù hợp, rõ ràng hoặc lạm dụng, hạn chế câu trả lời của chúng theo những cách khác và đưa ra phần mềm để xác định tài liệu do AI tạo ra.