Con số 21 triệu Bitcoin có thể khai thác đã được công bố ngay tại thời điểm tạo ra bởi “cha đẻ” Bitcoin là ông Satoshi Nakamoto. Theo đó, việc hạn chế số lượng Bitcoin có thể khai thác là nhằm hạn chế tình trạng lạm phát và “ảo hóa” giá trị đồng tiền số này. Ông Nakamoto cũng đặt ra quy tắc cứ sau mỗi 210.000 khối Bitcoin được đào, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ giảm đi một nửa (sự kiện Halving Bitcoin).
Theo thống kê, tính đến ngày 18/12/2023, đã có tới 19.573.975 Bitcoin được khai thác, vì vậy, chỉ còn khoảng 1,4 triệu Bitcoin để các thợ đào có thể tìm kiếm may mắn. Sau thời điểm năm 2140, sẽ không còn Bitcoin mới nào được tạo ra nữa. Điều này sẽ có những tác động trực tiếp tới thị trường tiền ảo, cụ thể là các nhà đầu tư và thợ đào.
Đối với các thợ đào, việc khai thác Bitcoin ngày càng trở nên khó khăn hơn sau nhiều lần sự kiện halving diễn ra. Năm 2009, phần thưởng cho mỗi khối trong chuỗi được khai thác là 50 Bitcoin. Sau sự kiện halving đầu tiên, nó giảm xuống còn 25, các sự kiện sau đó giảm xuống lần lượt là 12,5 - 6,25 Bitcoin (ngày 11/5/2020). Phần thưởng giảm xuống còn 3,125 khi sự kiện halving lần thứ 4 diễn ra vào ngày 19/4/2024.
Theo tính toán, nếu phần thưởng cho thợ đào giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối Bitcoin, nó sẽ ngày càng nhỏ đi cho đến khi phần thưởng là một satoshi và tổng số tiền lưu hành bằng 21 triệu. Một satoshi bằng 0,00000001 bitcoin — đây là mệnh giá thấp nhất của Bitcoin và không thể giảm một nửa.
Khi lợi nhuận không còn đáng kể, trong khi chi phí đầu tư ngày càng nhiều khiến cho nhiều thợ đào tự rút khỏi ngành, nhiều công ty cũng chuyển hướng phát triển.
Hầu hết các thợ đào và công ty khai thác hiện nay đều sẽ rao bán số Bitcoin kiếm được để bù đắp các chi phí đã bỏ ra, mong muốn kiếm được một phần lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên, sẽ tới lúc chi phí vận hành và khai thác vượt quá số lợi nhuận thu được từ việc đào Bitcoin. Điều này có thể xảy ra trước khi Bitcoin đạt đến giới hạn nguồn cung. Cuối cùng, khi Bitcoin mới không còn được tạo ra nữa thì phần thưởng cho việc hoàn thành khối Bitcoin sẽ chính là mức phí giao dịch. Lúc đó, mức phí này có thể tăng lên gấp nhiều lần.
“Khi lượng tiền số được xác định từ đầu đều đã được lưu thông thì phẩn thưởng sẽ chuyển đổi hoàn toàn thành phí giao dịch và sẽ không hề có lạm phát”, ông Nakamoto dự kiến về tương lai 100 năm sau.
Đó là viễn cảnh đối với các thợ đào, còn với các nhà đầu tư Bitcoin, khi đồng tiền số cuối cùng được khai thác thành công, sẽ là thời điểm “huy hoàng” của họ. Bitcoin càng khan hiếm, nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế sẽ đẩy mức giá của đồng tiền tăng tỷ lệ thuận.
Thực tế, cứ sau mỗi lần halving Bitcoin, giá của đồng tiền số này đều nhảy vọt. Sự kiện gần đây nhất, giá Bitcoin đã nhảy múa liên tục trên mức 70.000 USD, sau đó sụt giảm dần khi “cơn sốt” được hạ nhiệt. Tuy nhiên, so với giá cả trước đó it lâu, vẫn cao hơn đáng kể.
Trong 3 đợt halving trước đó, giá Bitcoin đều tăng mạnh trong vòng 1 năm, chạm các mốc kỷ lục 1.000 USD (lần 1 diễn ra vào tháng 11/2012), 19.000 USD (lần 2 tháng 7/2016) và 69.000 USD (lần 3 vào tháng 5/2020). Các chuyên gia cho biết, trong tương lai, giá Bitcoin sẽ chỉ nằm trong phạm vi 100.000 đến 175.000 USD.