35.000 đồng/lần/năm cho kiểm định khí thải xe máy
Vào tháng 6 năm nay, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông, trong đó quy định xe mô tô, gắn máy phải kiểm định khí thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, trình Chính phủ lộ trình kiểm soát khí thải xe máy.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe máy, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe máy.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn kỹ thuật cho các trung tâm đăng kiểm xe và kiểm định khí thải xe máy. Bộ cũng chủ trì xây dựng, ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định của pháp luật về giá.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định để thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy phải theo lộ trình. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy. Còn các bộ ngành liên quan cần tham mưu thời điểm kiểm tra khí thải xe máy, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai, đối tượng cụ thể...
Trong khi đó, Cục Đăng kiểm cho hay, lộ trình kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Hiện nay, xe máy mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp vẫn đang được kiểm soát khí thải. Do vậy, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu theo hướng, xe mới chưa phải thực hiện kiểm định khí thải ngay, mà sau 2 - 3 năm mới phải kiểm định.
Còn các xe đã qua sử dụng nhiều năm, cơ quan chức năng có thể tính toán nghiên cứu thời gian kiểm định khí thải cho phù hợp. Về mức phí kiểm tra khí thải, theo tính toán dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải, người dân có thể chỉ mất 35.000 đồng/lần/năm.
Lưu dữ liệu kiểm định trong 36 tháng
Trong dự thảo đang được lấy ý kiến, cơ sở kiểm định khí thải mô tô, gắn máy phải có phòng chờ trả kết quả kiểm định; các thiết bị phân tích khí thải (đo khí thải xe cơ giới), hệ thống công nghệ thông tin. Khu vực chờ trả kết quả kiểm định phải tách biệt, không gây ảnh hưởng tới quá trình kiểm định.
Mỗi vị trí kiểm tra (một thiết bị phân tích khí thải) phải có diện tích tối thiểu 6m2, đảm bảo ánh sáng, có mái che, thiết bị thông gió cưỡng bức. Khu vực này được đánh dấu bằng đường viền màu vàng trên sàn.
Thiết bị phân tích phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về đo lường thành phần khí thải theo quy định của pháp luật. Hệ thống tích hợp khả năng kết nối với phần mềm kiểm định và lưu trữ dữ liệu phương tiện, kết quả kiểm định tối thiểu 36 tháng trên máy chủ.
Cùng với đó, thiết bị đo khí thải phải vận hành tự động theo quy trình tiêu chuẩn, hiển thị trực quan các giá trị đo trên màn hình, cung cấp hướng dẫn chi tiết cho người kiểm tra và tự động xuất báo cáo kết quả kiểm định sau khi hoàn tất quá trình.
Các cơ sở đăng kiểm cần lắp đặt hệ thống camera giám sát, bảo đảm bảo ghi hình liên tục và lưu trữ dữ liệu hình ảnh tại tất cả vị trí kiểm tra trên dây chuyền trong tối thiểu 30 ngày. Hệ thống camera cần được kết nối trực tuyến với Sở Giao thông Vận tải địa phương và Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra từ xa.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị đánh giá, phát thải khí thải từ xe cơ giới đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Do đó, việc đưa ra các quy định kiểm soát khí thải với xe máy đang sử dụng là phù hợp. Tuy nhiên, ông cho rằng, cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với xe máy cũ nát, nhả khói đen, có thời gian sử dụng lâu...
Không nên bắt buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành phải thực hiện kiểm định khí thải định kỳ. Bởi hiện tại, Hà Nội có gần 8 triệu xe máy, còn TP. HCM có khoảng 9 triệu xe máy, nếu phải kiểm tra hết thì không phù hợp. Bên cạnh đó, việc kiểm định xe máy cũng cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện.