Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm; các ngân hàng thương mại đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.
Đồng thời, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép. Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Các cơ quan, trong đó có Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan buôn lậu, găm hàng, đội giá, không tuân thủ pháp luật.
Để kìm “cơn sốt” vàng trong nước, cơ quan quản lý đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đấu thầu vàng, tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này đang không được như kỳ vọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thu thuế các hoạt động kinh doanh vàng sẽ góp phần tránh đầu cơ, qua đó có thể “hạ nhiệt” được giá vàng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều người dân thu lãi từ mua - bán vàng nhưng không phải đóng thuế khoản thu nhập này. Như một hot blogger chia sẻ trên trang cá nhân, người này mua 100 lượng vàng này mua vào dịp vía Thần Tài 3 năm trước ở mức gần 57 triệu đồng/ lượng. Vào thời điểm vàng lên đỉnh 92 triệu đồng/lượng, người này đã bán hết chỗ vàng trên.
Theo tỷ giá lúc mua vào và bán ra, hot blogger này lời khoảng 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này không phải đóng một đồng thuế nào!
Chị Minh Trang (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cũng bán ra 50 lượng vàng SJC tại mức giá 89 triệu đồng/lượng. Chị cho biết, chị mua vào đầu năm là 74 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 89 triệu đồng/lượng, lời 750 triệu đồng nhưng không phải đóng bất cứ loại thuế nào.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, khách đến mua vàng phải trình CCCD để doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử. Nhưng khi bán vàng, các doanh nghiệp chủ yếu kiểm tra thông tin về sản phẩm trên hóa đơn khách hàng mua, chứ không cần phải xuất trình CCCD.
Hội đồng Vàng thế giới cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới với tổng giao dịch trên thị trường khoảng 45-50 tấn/năm. Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế mua - bán vàng không chỉ tăng thu ngân sách Nhà nước mà còn giúp chống “vàng hóa” nền kinh tế và đầu cơ. Hiện người dân đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản phải nộp thuế nhưng đầu tư vào vàng không phải nộp thuế.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nên dùng công cụ thuế để điều tiết những giao dịch có tính chất đầu cơ như mua vàng miếng để tích trữ.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính nhận định, thời gian qua, đã có hiện tượng một số cá nhân kinh doanh vàng và cũng đã đến lúc cần phải đánh thuế vàng. Việc xuất hóa đơn điện tử không quá tốn kém và khó khăn như nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng từng chia sẻ. Nếu không kiên quyết và không biết cách tổ chức thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ lần lữa không chịu làm.
Về phía người dân, hiện nhiều người vẫn chưa có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng, trong đó có mua vàng. Muốn hình thành thói quen, các cơ quan ban ngành có thể triển khai nhiều biện pháp khuyến khích người dân như giảm trừ với ai lấy hóa đơn điện tử. Áp dụng hóa đơn điện tử cho vàng như với kinh doanh xăng dầu thì chắc chắn sẽ thu được thuế từ hoạt động mua bán kiếm lời chênh lệch từ vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chuyên gia về thuế, cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt trong quản lý ngoại hối nhưng lại chưa đẩy mạnh vấn đề xuất hóa đơn điện tử khi mua, bán vàng.
Theo ông, phương pháp trực tiếp là giá bán trừ giá mua, phần chênh lệch này nhân với thuế suất. Giá mua đầu vào khó có thể nắm được nên nhiều khi người dân bán cả vài trăm, đến vài ngàn lượng vàng nhưng nộp thuế rất ít. Chưa kể, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có doanh thu năm 100 triệu đồng thì nộp thuế, nhưng cá nhân mua bán 10 lượng vàng (tương đương hơn 800 triệu đồng) thì không phải đóng thuế, dẫn đến thị trường vàng sôi động nhưng lại thất thu thuế.