Đề xuất bắt buộc không dùng tiền mặt khi mua, bán vàng

Tổng cục Thuế vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối các hoạt động giao dịch kinh doanh, mua bán vàng.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Trong lĩnh kinh doanh vàng bạc, 100% doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn điện tử.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện giao dịch mua, bán vàng, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp. Đáng chú ý nhất trong các giải pháp này là rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

mua-vang-1714816757.jpg
Tổng cục Thuế đề xuất bắt buộc không dùng tiền mặt khi mua, bán vàng

Qua hơn 1 năm triển khai, trên cả nước đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền.

Theo Tổng cục Thuế, để quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc hiệu quả hơn nữa thì cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương. Từ đó, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời có cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh vàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua hàng. Song song, tổ chức kiểm tra, giám sát việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP. HCM cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.

Đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Mục đích là để phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền…

Tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, găm hàng đẩy giá vàng.

mua-vang-1-1714816757.jpg
Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường (Ảnh: Ngọc Thạch)

Để ổn định thị trường trong nước và kéo giảm chênh lệch với giá vàng miếng thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế chỉ một lần đấu thầu thành công với 3.400 lượng vàng được bán, còn lại 3 lần bị hủy.

Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước vẫn tiếp tục tăng cao. Như trong sáng nay (ngày 4/5), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 83,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 85,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Như vậy, vàng miếng SJC lại lập đỉnh mới khi tiến sát mốc 86 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 2,4 triệu đồng. Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng cũng tăng tới 700.000 đồng/lượng mỗi chiều.

Ngược lại, vàng nhẫn lại có xu hướng giảm khi mức giá giao dịch được niêm yết 73,1 - 74,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với phiên hôm qua.