Khó khăn tìm việc làm
Chị Trần Thị Thanh An (39 tuổi, quận 12, TP. HCM) đã thất nghiệp được 6 tháng. Trước đây, công việc của chị là hỗ trợ quản lý lớp học tại một trường mầm non. Khi trường nâng cấp cơ sở vật chất và cải tiến phương pháp giảng dạy, chị cảm thấy mình không theo kịp. Ở độ tuổi U40, chị nhận thấy phụ huynh ưu tiên chọn giáo viên trẻ cho con em mình.
Thời điểm đó, chị cảm thấy thật tệ. Có lần chị thức trắng đêm để học cách soạn slide bài giảng và tập diễn trước gương cho buổi dự giờ. Sự bối rối trong việc sử dụng công nghệ khiến chị xấu hổ với học trò và đồng nghiệp.
Chị An chia sẻ, với những lao động lớn tuổi, việc tìm kiếm công việc phù hợp rất khó khăn, bởi họ thường đã có gia đình và cần nguồn thu nhập ổn định. Nếu công ty trả lương thấp, họ phải chật vật xoay sở, làm thêm nhiều việc khác.
Cùng chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Minh (35 tuổi, TP. Thủ Đức, TP. HCM) - một freelancer (người làm tự do) bộc bạch, thế hệ trẻ hiện nay rất giỏi, thành thạo ngoại ngữ và công nghệ, cùng ngoại hình trẻ trung. Những lao động trung niên như chị cũng cố gắng học hỏi và nâng cao kỹ năng để bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, nhiều công ty chỉ tuyển dụng nhân viên trong độ tuổi 18 - 35.
Chị Minh cũng trăn trở về tương lai, không biết liệu khi lớn tuổi hơn, chị có giữ được khách hàng và nguồn thu nhập như hiện tại hay không và liệu các nhà tuyển dụng có tiếp tục chấp nhận lao động lớn tuổi.
Anh Nguyễn Văn Tùng (41 tuổi) hiện đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại một xí nghiệp giày da ở Ba Vì (Hà Nội). Anh cho biết, hàng năm công ty này thường có các đợt tuyển dụng cho lao động từ 35 - 45 tuổi. Tuy nhiên, từ giữa năm nay, công ty đã ít việc hơn và không nhận những ứng viên trên 40 tuổi, với lý do lao động lớn tuổi không đạt năng suất như người trẻ.
Trong một lần lướt mạng xã hội, anh Tùng thấy một công ty may thông báo tuyển thợ với độ tuổi 18 - 50 và cam kết đào tạo cho những người chưa có kinh nghiệm. Nhưng khi nhắn tin hỏi thêm thông tin, anh nhận được câu trả lời chỉ đào tạo những người dưới 35 tuổi. Do thiếu kinh nghiệm và đã qua tuổi, anh lại một lần nữa bị từ chối.
Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên
Hiện nay, lao động tuổi trung niên gặp khó trong tìm việc như chị An, chị Minh, anh Tùng khá nhiều. Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tìm việc của nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên chiếm 40,95%, chỉ đứng sau nhóm từ 25 - 34 tuổi với 48,86%.
Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Nguyên nhân chính đến từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa, khiến các kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Hiện tại, khoảng 70% vị trí công việc yêu cầu kỹ năng công nghệ thông tin hoặc tin học văn phòng, tạo ra thách thức lớn cho nhóm lao động này trong việc chuyển đổi kỹ năng.
Bên cạnh đó, lao động trung niên phải cạnh tranh với lao động trẻ, những người thường được ưu tiên tuyển dụng nhờ năng lực công nghệ và mức lương thấp hơn. Điều này dẫn đến những định kiến tiêu cực về năng suất và khả năng thích nghi của lao động trung niên, khiến họ ít có cơ hội phỏng vấn hơn. Thống kê cho thấy hơn 60% lao động trung niên không có bằng cấp kỹ thuật, so với 45% ở nhóm lao động trẻ.
Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng và không có cơ hội tiếp cận chương trình đào tạo liên tục cũng khiến lao động trung niên gặp khó khăn trong việc nâng cao trình độ. Họ thường bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình hoặc tài chính, làm cho việc học tập suốt đời trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên, tập trung vào đào tạo lại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi.
Lao động trung niên cũng có thể lựa chọn con đường làm việc tự do hoặc khởi nghiệp để duy trì thu nhập. Các lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm của họ. Một số người có thể tìm kiếm công việc bán thời gian hoặc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian học hỏi, phát triển kỹ năng mới.
Doanh nghiệp cũng nên thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ nhằm nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc.