Lợi dụng sự cố sập mạng toàn cầu, mã độc và web “đen” tranh thủ lây lan

Sử dụng thủ đoạn “hỗ trợ phục hồi” sau sự cố sập hệ thống máy tính toàn cầu của CrowdStrike và Microsoft, tội phạm mạng đang tranh thủ lan truyền các mã độc và website xấu độc, tấn công vào các tổ chức, doanh nghiệp tại Úc.

Chính phủ Úc đã cảnh báo về việc những kẻ lừa đảo đang cố gắng lợi dụng sự cố CrowdStrike toàn cầu trên các hệ thống Microsoft Windows để đánh cắp dữ liệu từ các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp các bản sửa lỗi giả mạo.

Một thông báo được phát đi bởi Cục Tín hiệu Úc (ASD)- cơ quan an ninh mạng của nước này cho biết: “Một số trang web độc hại và mã không chính thức đang được phát hành với quảng cáo giúp các tổ chức phục hồi sau tình trạng mất kết nối diện rộng do sự cố kỹ thuật CrowdStrike gây ra”. Cơ quan này đã xác định được hơn 30 tên miền được sử dụng trong các vụ lừa đảo cho đến nay, đồng thời khuyến cáo người dùng chỉ lấy thông tin kỹ thuật và cập nhật từ các nguồn chính thức của CrowdStrike để tránh khỏi các bẫy lừa đảo mà tội phạm mạng đang giăng ra trong dịp này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc là Clare O'Neil: "Tôi yêu cầu người dân Úc thực sự thận trọng trong vài ngày tới về những nỗ lực lợi dụng sự cố của Microsoft để lừa đảo hoặc tấn công mạng"

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc là Clare O’Neil nhấn mạnh sự lo ngại của mình và khuyên người dân nước này nên “cảnh giác với các vụ lừa đảo và tấn công lừa đảo”. Bà O’Neil cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận được một số báo cáo liên quan tới các nỗ lực thực hiện lừa đảo thông qua sự cố vừa xảy ra”. Một số doanh nghiệp nhỏ đã nhận được email từ những người giả danh CrowdStrike hoặc Microsoft và yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng để khởi động lại nhằm khắc phục lỗi.

"Tôi yêu cầu người dân Úc thực sự thận trọng trong vài ngày tới về các nỗ lực sử dụng sự cố để lừa đảo hoặc lừa đảo qua mạng. Nếu bạn thấy một email, một tin nhắn văn bản trông khả nghi, cho thấy điều gì đó về CrowdStrike hoặc sự cố công nghệ thông tin, hãy dừng lại. Đừng cung cấp bất kỳ thông tin nào", bà O’Neil lưu ý người dân. Theo đó, nếu nhận được những cuộc gọi, email với nội dung nghi ngờ liên quan tới sự cố, hãy cúp máy. Nếu đã lỡ cung cấp thông tin ngân hàng của mình thì hãy liên hệ ngay với ngân hàng để báo cáo.

“Đây là thời điểm chúng ta có thể giúp đỡ những người đồng hương Úc của mình. Nếu ai đó đã cố gắng lừa đảo bạn, họ đang cố gắng lừa đảo những người khác. Bạn có thể giúp bảo vệ những người đồng hương của mình bằng cách trực tuyến, truy cập trang web Scamwatch và chỉ cần báo cáo lại những gì đã xảy ra để Chính phủ có thể tiếp tục cảnh báo mọi người khi chúng ta tiến về phía trước”.

Sân bay Sydney tê liệt vì sự cố sập mạng máy tính của Microsoft.

Úc là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong sự cố sập mang máy tính toàn cầu vừa diễn ra ngày 19/7 vừa qua. Ngân hàng lớn nhất nước này là Commonwealth Bank of Australia cho biết một số khách hàng thậm chí không thể thực hiện được giao dịch chuyển tiền. Hãng hàng không quốc gia Qantas và sân bay Sydney cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Thủ tướng Anthony Albanese sau đó đã cho biết, sự cố không có tác động đến cơ sở hạ tầng quan trọng, dịch vụ công hoặc hệ thống điện thoại khẩn cấp.

Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc là Catriona Lowe đã cảnh báo công chúng không tải xuống phần mềm không được xác thực và cảnh giác với bất kỳ cuộc gọi hoặc email không mong muốn nào.