Theo đó, hai mẫu điện thoại trong cuộc thử nghiệm có nguồn gốc từ một đại lý bán máy đã qua tân trang, phần cứng ban đầu vẫn còn nguyên vẹn, pin và màn hình đều chính hãng. Dù không phải là những mẫu điện thoại đời mới nhất nhưng các thiết bị này đều được trang bị kính Corning – loại kính có độ bền siêu cao của Apple và Samsung.
Bước đầu, khi thử nghiệm ném từ độ cao 1 và 10m xuống thảm cỏ, chiếc iPhone và Samsung Galaxy không ốp lưng, không cường lực vẫn còn hoạt động. Wall Street Journal đưa ra nhận xét “Không có gì quá ngạc nhiên”.
Tiếp đến, 2 chiếc điện thoại này được thử nghiệm rơi từ độ cao 100m và gặp phải những cú va đập lớn khi chạm đất nhưng chúng không gặp hư hỏng gì nghiêm trọng ngoài vết cỏ và bụi bẩn bám vào các cổng sạc.
Một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến giải thích về vấn đề này như sau:
Cựu kỹ sư cơ khí của NASA - Mark Rober cho biết dù có đánh rơi điện thoại từ độ cao 100m hay từ không gian thì kết quả vẫn sẽ tương tự nhờ có vận tốc cuối. Với một vật rơi tự do, lực cản không khí sẽ có độ lớn bằng lực hấp dẫn và vật thể rơi với vận tốc không đổi, gọi là vận tốc cuối.
Ngoài ra, Phó giáo sư ngành vật lý tại Đại học Đông Nam Louisiana - Rhett Allain nêu quan điểm rằng do khối lượng, kích thước và hình dạng của smartphone sẽ tăng tốc độ đến khi đạt vận tốc 96 km/h. Ở thời điểm đó, sức cản của không khí khiến nó không thể nhanh hơn được nữa. Và, 100m trong không khí là đã đủ chiều cao cho tất cả các thiết bị này đạt được vận tốc cuối cùng cho dù có ốp bảo vệ hay không.
Một vấn đề khác nữa được đặt ra là tại sao điện thoại rơi xuống sàn lại dễ hỏng hơn?
Cả Mark Rober và Rhett Allain đều giải thích rằng mặt cỏ đóng vai tròn là đệm của vật thể rơi giúp làm chậm lại sự giảm tốc. Được biết, các bề mặt cứng hơn như nhựa đường hoặc sàn nhà, gạch thường gây ra sự giảm tốc đột ngột hơn gấp nhiều lần.
Do đó, Wall Street Journal đã lặp lại thử nghiệm với iPhone 14 và Galaxy S23 trên đường nhựa. Kết quả cho ra là sau khi rơi từ độ cao 1m, 2 chiếc smartphone này đều sống sót sau 2 lần thả rơi trên đường nhựa và chỉ để lại những vết xước, vết lõm nhỏ.
Tiếp tục ở độ cao 10m, chiếc iPhone không được đeo ốp đập mạnh xuống đường nhựa, mọi thứ vẫn hoạt động bình thường nhưng iPhone bị vỡ kính mặt sau. Còn chiếc điện thoại Samsung có hiện tượng góc phía trên bên trái và phía dưới bên phải của màn hình OLED bị vỡ. Đồng thời, màn hình hiển thị cũng bắt đầu có hiện tượng nhấp nháy.
Cuối cùng là bài test 100m, chiếc iPhone được mang ốp bảo vệ và thử nghiệm ném. Kết quả là toàn bộ mặt kính sau của thiết bị này đều bị nứt gồm cả phần xung quanh camera. Tuy nhiên, iPhone này vẫn hoạt động nhưng cần phải sửa chữa mới có thể tiếp tục sử dụng. Trong khi đó, Samsung Galaxy S23 dù màn hình không bị nứt nhưng toàn bộ phần thân điện thoại bị cong, không thể khởi động.
Các chuyên gia vậy lý nhấn mạnh: Ốp lưng tốt sẽ trở thành đệm lực khi điện thoại rơi, giảm tốc đột ngột và bảo vệ khỏi các va đập, hư hỏng. Do đó, các nhà thiết kế ốp thường sử dụng các miếng nhựa và cao su để hấp thu lực.