Meta sẽ sản xuất kính thực tế hỗn hợp tại Việt Nam, trợ lý ảo Meta AI sắp nói được tiếng Việt

Theo Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta là Nick Clegg, Tập đoàn này dự kiến sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất là Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025, góp phần tạo ra khoảng 1.000 việc làm mới.

Thông tin được chia sẻ tại buổi tiếp mới đây giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nick Clegg – Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Quest 3S là mẫu kính thực tế ảo vừa được Meta công bố vào ngày 25/9 và đang nhận được sự đánh giá cao của giới công nghệ toàn cầu. Đây là phiên bản giá thấp hơn của Quest 3 đã được giới thiệu trước đó, khởi điểm khoảng 300 USD nên dễ dàng tiếp cận hơn với nhiều người tiêu dùng. Tuy giá thành rẻ hơn nhưng kính thực tế ảo này vẫn phát huy được những tính năng cốt lõi của Metaverser bao gồm thực tế ảo và trải nghiệm nhập vai.

Kính thực tế ảo Meta Quest 3S mới vừa ra mắt cách đây ít ngày của Meta.

Bên cạnh việc mở rộng sản xuất sản phẩm mới tại Việt Nam, Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Meta còn cho biết trong thời gian tới sẽ triển khai trợ lý ảo “Meta AI” bằng tiếng Việt để phục vụ nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp. Meta cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.

"Việt Nam tiếp tục là một quốc gia quan trọng đối với Meta. Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng tin tưởng vào nền tảng của chúng tôi", Chủ tịch Phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta Nick Clegg cho biết.

Đại diện của Meta còn nêu đề nghị liên quan quy hoạch cụ thể như băng tần, khung pháp lý...để tạo điều kiện hơn nữa cho kinh doanh.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Meta, đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Tập đoàn này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo và Giáo dục – đào tạo cũng như thúc đẩy hợp tác Việt hóa công cụ Meta AI.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Việt Nam đang xây dựng Luật Dữ liệu, Trung tâm dữ liệu quốc gia, tạo thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản trị thông minh để tạo điều kiện cho sự phát triển trong các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Meta tiếp tục hợp tác với các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để đẩy mạnh các dự án trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, AI, IoT…, đồng thời chuyển giao công nghệ và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam trong việc tham gia và đóng góp vào chuỗi giá trị cũng như các nền tảng, ứng dụng trực tuyến của Tập đoàn.

Meta bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015 và đã nhanh chóng hợp tác tích cực với các bộ, ngành để triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số và đổi mới sáng tạo.