Giá chung cư bị ‘thổi’ cao gấp đôi thị trường
Theo Tiền Phong thông tin, chị V (45 tuổi, Hà Nội) gần 1 tháng nay liên tục nhờ những người quen có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản nghe ngóng, tìm kiếm một căn chung cư có tối thiểu 2 phòng ngủ, có thể trả góp dài hạn cho vợ chồng con trai cùng 3 cháu nhỏ. Trước đây, nhiều người khuyên chị V nên tìm một đơn vị môi giới chuyên nghiệp, họ sẽ tư vấn và giúp tìm được nhà sớm hơn.
Tuy nhiên, sau 2 tuần nhờ môi giới tìm giúp dự án phù hợp với nhu cầu, chị V tá hỏa phát hiện, mỗi môi giới lại báo giá khác nhau, chênh lệch nhau rất nhiều trong khi cùng là căn hộ có diện tích, vị trí tương đương trong cùng một dự án.
Điển hình như dự án Chung cư Ngoại giao Đoàn (Bắc Từ Liêm). Giá căn hộ tại đây vào thời điểm mở bán hồi giai đoạn 2016 - 2019 dao động trong khoảng 16 - 35 triệu đồng/m2, tùy theo tầng và góc. Hiện tại, giá căn hộ ở khu vực này đang được rao bán phổ biến trong khoảng 45 - 55 triệu đồng/m2 theo sự biến động của thị trường. Nếu muốn sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 103m2 thì chị V sẽ phải bỏ ra khoảng 4,6 - 5,6 tỷ đồng.
Điều đáng nói, nhiều môi giới khi thông tin về dự án này cho biết, giá căn hộ hiện nay đã tăng cao, dao động trong khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2. Tức là, chị V sẽ phải bỏ ra 8,2 - 10,3 tỷ đồng để sở hữu căn hộ 3 phòng ngủ có diện tích 103m2, chênh lệch mức giá rao bán trên thị trường từ 35 - 45 triệu đồng/m2. Để chị V tin tưởng, những môi giới này còn liên tục gửi đến cho chị link bài viết trên các Fanpage và group mạng xã hội chuyên đăng tải những bài viết liên quan đến dự án Chung cư Ngoại giao đoàn cùng mức giá tương đương với khoảng giá mà họ từng giới thiệu trước đó.
Chính vì thế, chị V quyết định sẽ nhờ người quen tư vấn. Đồng thời, bản thân chị cũng tự mình tìm hiểu, kiếm căn chung cư phù hợp và không nhờ vả đến môi giới nữa.
Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ dự án chung cư Ngoại giao Đoàn, nhiều dự án nhà ở và đất nền trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đều gặp tình trạng tương tự. Môi giới sẵn sàng ‘tâng giá’ lên quá cao so với giá sàn mà nhà đầu tư mở bán. Điều này tạo khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm của người mua.
Người mua, nhà đầu tư cần tỉnh táo
Một môi giới lâu năm cho biết, việc môi giới sử dụng chiêu trò ‘lướt sóng’ hiện nay không hiếm. Cụ thể, những người này ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà và chủ đất rồi rao bán lại. Đến khi có khách mua, họ sẽ sang tay ngay và luôn để ăn chênh lệch.
Đồng thời, những môi giới này còn lập ra nhiều Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà đất. Sau đó, họ thay phiên nhau đăng tin rao bán nhà đất với mức giá ‘trên trời’. Nhiều môi giới còn liên kết với nhau, tự tương tác và bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ để tăng độ tin cậy, thậm chí còn tự tạo ra các giao dịch mua bán bất động sản ảo để ‘lòe’ những người mua không có kinh nghiệm.
Mỗi khi rao bán một dự án nhất định, các môi giới sẽ tung chiêu bằng việc đăng tải liên tục lên mạng xã hội những bài viết liên quan để tạo hiệu ứng kích cầu, mục đích là để người mua thấy được khu vực này đang ‘sốt’ và ‘hot’ như thế nào.
Chia sẻ thêm, một môi giới kỳ cựu tại TP HCM tiết lộ, môi giới hay có quy tắc chung đó là với các dự án căn hộ chung cư, tỷ lệ mất giá sau 3-4 năm sử dụng sẽ rơi vào khoảng 20%. Nếu trên 5 năm sẽ cộng dồn tỷ lệ khấu hao, tùy thuộc theo quy định của từng sàn.
Ví dụ, nếu khách hàng muốn mua một căn hộ với giá 2 tỷ đồng. Gia chủ nếu sử dụng được 4 năm và muốn bán lại, môi giới sẽ trừ đi 20%, tương đương với 400 triệu đồng. Nếu chủ nhà đến năm thứ 5 mới muốn bán, tỷ lệ khấu trừ tùy theo thỏa thuận sẽ dao động trong khoảng 22 - 23%. Với các căn hộ ở dự án chưa có sổ hồng, mức khấu hao sẽ tăng lên, dao động trong khoảng 25 - 35%, mục đích là để các môi giới có thể ép giá với gia chủ.
Do đó, nếu khách hàng muốn mua sát với giá nhà nhất thì nên tự mình tìm hiểu, khảo sát và so sánh giá nhà với những căn hộ tương tự trong cùng dự án. Nếu như thấy mức giá chênh lệch quá cao so với con số mà bên môi giới đưa ra, tốt nhất nên tránh mua hoặc tìm đến những đơn vị môi giới uy tín, có tâm hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định: “Việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường bất động sản đã ấm lên từ trước đến nay không phải hiếm. Việc này thường xuyên diễn ra để tạo ‘sóng ảo’. Có nhóm môi giới chủ nhà và chủ đầu tư còn bày trò ‘bắt tay’ mua bán, đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo nhằm thu hút sự quan tâm của người mua”.