Mưa lũ trên diện rộng, các tỉnh miền Trung di dời khẩn cấp hàng nghìn người dân

Trước tình hình mưa lũ diện rộng, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp ứng phó với ngập lụt và sạt lở đất. Đặc biệt, hai tỉnh đã di dời hàng nghìn người dân tới nơi tránh lũ an toàn.

Nước lũ dâng ngập nhà

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Đông Bắc, từ đêm 21/9 đến sáng 23/9, nhiều huyện, thị và thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hứng chịu những trận mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng.

Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các con sông, suối dâng cao. Cụ thể, mực nước sông Mã đã vượt báo động 3 (0,1m), sông Lèn dưới báo động 2 (0,37m), sông Bưởi trên báo động 2 (0,19m), sông Cầu Chày trên báo động 1 (0,49m), và sông Chu trên báo động 2.

Nước lũ dâng ngập nhà dân ở Thanh Hóa 

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trưa ngày 23/9, nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa đã tiến hành sơ tán khẩn cấp hơn 1.200 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu sống ven các sông suối có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Trong đó, các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Quan Sơn với 116 hộ (543 người), Quan Hóa với 71 hộ (279 người), Mường Lát với 443 hộ (1.479 người), và Thường Xuân với 273 hộ (1.057 người).

Mưa lũ cũng đã làm tốc mái và sạt lở 113 căn nhà tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa. Ngoài ra, 12ha lúa bị ngập nước và 7 điểm trường học bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục. Một số tuyến đường quan trọng như quốc lộ 15C, 16 dẫn đến huyện Mường Lát và đường 217 đi Quan Sơn bị sạt lở, gây cô lập nhiều thôn bản.

Nghiêm trọng nhất, mực nước sông Mã dâng cao đã khiến nhiều nhà dân ở phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa bị ngập nặng. Trước tình hình nguy cấp, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã ra công điện khẩn, yêu cầu sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các phường, xã có đê được yêu cầu lập tức triển khai phương án di dời dân cư, đặc biệt là những người già, neo đơn và người đang ốm đau.

Lực lượng chức năng và dân quân tự vệ đã được huy động 100% quân số để ứng trực, tuần tra canh gác đê điều, kịp thời xử lý mọi sự cố liên quan. Các hộ dân tại các phường ngoài đê đã được di dời. Tài sản của họ cũng được vận chuyển đến nơi an toàn.

3 người tử vong và 1 người bị thương do mưa lũ

Trước tình hình mưa lũ diện rộng, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành công điện khẩn cấp để ứng phó với ngập lụt và sạt lở đất, đặc biệt tập trung vào các địa phương miền núi có nguy cơ cao.

Theo đó, trưa ngày 23/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An thông báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tỉnh đã hứng chịu lượng mưa lớn từ ngày 17 - 22/9. Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm khí tượng dao động từ 200mm đến hơn 500mm. Mưa lũ đã khiến 3 người tử vong và 1 người bị thương.

Một ngôi nhà tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong bị sập hoàn toàn (Ảnh: Vietnamnet)

Tại huyện Quế Phong, mưa lớn liên tục gây sạt lở đất đá, làm hư hỏng nhà cửa ở các xã Thông Thụ và Cắm Muộn. Ngay trong chiều ngày 23/9, chính quyền huyện Quế Phong đã phối hợp với lực lượng quân đội và công an sơ tán khẩn cấp 26 hộ dân với 126 nhân khẩu ra khỏi vùng sạt lở. Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết huyện đang tiếp tục rà soát các điểm sạt lở và sẵn sàng di dời dân cư khi cần thiết.

Không chỉ Quế Phong, các huyện khác của tỉnh Nghệ An như Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương và TP. Vinh cũng đã phải di dời hàng trăm hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có 9 nhà sập hoàn toàn và gần 100 căn nhà bị hư hỏng do sạt lở.

Trước đó, vào sáng ngày 23/9, ông Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh đã kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại một số trạm bơm quan trọng như trạm bơm tiêu Bến Thủy và khu vực chợ Vinh, đồng thời yêu cầu các lực lượng tiếp tục theo dõi sát sao tình hình để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Trưa ngày 23/9, ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân (TP. Vinh) cho biết do mưa lớn kéo dài từ sáng đã khiến trại gà của anh Nguyễn Ngọc Huy (xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân) bị ngập nước nghiêm trọng. Khi anh Huy đang tập trung di dời đàn gà lên chỗ cao thì xảy ra sự cố mất điện dẫn đến hàng loạt gà bị chết ngạt.

Trại gà của anh Huy quy mô khoảng 10.000 con, đã có hơn 9.000 con bị chết. Trọng lượng mỗi con ước đạt 2,2 - 2,5 kg. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 23 tấn gà, tương đương gần 2 tỷ đồng.

Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã huy động nhân lực để làm thịt gà, đồng thời kêu gọi người dân mua ủng hộ anh Huy với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.