Ngày 18/7, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang vừa phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 tới lớp 12 có dấu hiệu giả Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Đây là vụ việc kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Trước đó vào tháng 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng cũng đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sách giả quy mô rất lớn. Theo đó, trong 3 năm, đường dây này đã tổ chức sản xuất, buôn bán hơn 4 triệu cuốn sách giáo khoa giả.
Chất lượng của sách giáo khoa giả thường sẽ không bảo đảm, không được bảo hộ nguồn gốc từ các nhà xuất bản. Nội dung, hình ảnh trong sách do in ấn kém, chất giấy tồi gây ra nhòe, mờ… ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nếu sử dụng thời gian dài. Bên cạnh đó, chất lượng giấy và mực in của sách giả không đảm bảo cũng tác động xấu đến sức khỏe học sinh.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho con em mình, hiện nay rất đông phụ huynh chọn mua sách cho con tại trường học. Ngoài ra, đặt mua sách tại trường còn rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Chị Vũ Thị Thanh Giang (Long Biên, Hà Nội) có con gái đang học lớp 7. Chị cho biết, sau lần phải đôn đáo đi mua bổ sung sách giáo khoa cho con theo yêu cầu của nhà trường, chị đã đăng ký mua luôn tại trường. Thông thường, cứ kết thúc năm học của con là chị đăng ký.
Chị Trần Thị Minh (Đống Đa, Hà Nội) cũng chia sẻ, hiện nay có nhiều bộ sách giáo khoa. Nhà trường sẽ quyết định học sinh học theo bộ sách nào nên đặt mua ngay tại trường là thuận tiện nhất. Con trai chị năm ngoái vào lớp 1, chị đã đăng ký với cô giáo chủ nhiệm mua luôn.
Chị Phan Tuyết Nhung (quận 3, TP. HCM) có con chuẩn bị bước sang lớp 5. Chị chia sẻ, con chị là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Những năm qua, chị đều đăng ký mua sách giáo khoa tại trường. Bởi sách giáo khoa mới, cộng thêm nhiều đơn vị xuất bản khiến chị cảm thấy khó khăn trong việc tìm mua đủ sách. “Nhà trường hỗ trợ học sinh đăng ký mua sách giáo trong năm học mới đã “gỡ khó” cho chúng tôi rất nhiều”, chị Nhung khẳng định.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh than phiền, danh mục sách các trường ban hành có kèm theo rất nhiều sách tham khảo, sách bài tập với tổng giá thành cao hơn rất nhiều so với giá một bộ sách khoa cơ bản.
Chẳng hạn, danh mục sách lớp phục vụ lớp 9 năm học trước (2023 - 2024) của trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có đến hơn 50 đầu sách. Danh mục được chia làm 2 phần: Phần 1 là sách giáo khoa và sách bài tập với 40 đầu sách. Phần 2 là sách tự chọn gồm 14 đầu sách.
Có phụ huynh nhìn vào danh mục sách nhà trường đưa ra thì đều hiểu, phần 1 là sách bắt buộc phải có. Phần 2 sẽ là sách tự chọn. Bên cạnh đó cũng có phụ huynh nhầm tưởng tất cả đều là bắt buộc. Do vậy, họ đặt mua hết cho con.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM cho rằng, hiện nay sách giáo khoa ở mỗi khối lớp sử dụng trong nhà trường có thể từ 2 - 3 bộ khác nhau do nhà trường quyết định. Vì vậy, để tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh, cũng như tránh tình trạng mua phải sách giả, nhà trường sẽ chủ động liên hệ với các nhà xuất bản có danh mục sách đã lựa chọn để hỗ trợ cung ứng sách giáo khoa cho học sinh.
Trước tình trạng phụ huynh phản ánh như trên, theo ông Quốc, Sở Giáo dục Đào tạo TP. HCM đặc biệt yêu cầu, nhà trường không gộp danh mục sách giáo khoa và sách tài liệu tham khảo, sách bổ trợ vào chung thông báo sách giáo khoa để tránh phụ huynh học sinh hiểu nhầm là bắt buộc phải mua.
Ông Quốc nhấn mạnh, khi thông báo đến cha mẹ học sinh và giáo viên danh mục sách tài liệu tham khảo, bổ trợ dùng trong nhà trường cho năm học mới, nhà trường cần thực hiện đúng theo Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục.