Công tác đấu giá đất tại các địa phương được đánh giá là biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề an cư cho người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, một số phiên đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội xuất hiện dấu hiệu bất thường khi giá đất cao gấp gần 30 lần giá khởi điểm. Thực trạng này làm “méo mó” mục tiêu của Nhà nước, trở thành “miếng mồi ngon” cho giới đầu cơ trục lợi.
Hậu quả của việc này khiến cho giá bất động sản ngày càng tăng cao, mức giá đất đấu giá “vượt xa” giá trị thật, còn gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt tiếp theo không chỉ tại địa phương mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.
Nói về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đấu giá đất là công cụ quản lý đất đai hiệu quả, giúp Nhà nước tái phân bổ, đồng thời kiểm soát và sử dụng tài nguyên đất một cách bền vững.
Thông qua hoạt động này, Nhà nước có thể đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận đất đại, ổn định thị trường đất đai, tránh tình trạng “bong bóng” bất động sản. Do đó, Cần có quy định phá lý rõ ràng, quy trình minh bạch, cơ chế giám sát chặt chẽ để hạn chế tác động tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Đính – CHủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, cần sớm có thêm cơ chế hoạt động đầu cơ như áp thuế cao với đối tượng tích lũy, đầu cơ. Cùng với việc ban hành bảng giá đất để xác định giá khởi điểm sát với thị trường, các cơ quan quản lý cần tính tới điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến nghĩa vụ tài chính.
Bổ sung thêm các biện pháp, luật sư Trần Đại Nghĩa, chuyên gia pháp lý dự án bất động sản Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) cho rằng, cần nâng cao tiêu chuẩn dành cho các đối tượng tham gia đấu giá.
Đơn cử, đấu giá khu vực nào thì chỉ người khu vực đó được tham gia. Bởi việc đấu giá đất nền cho cá nhân xây dựng là biện pháp của chính quyền địa phương cấp huyện giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân. Theo đó, chỉ nên dành suất tham gia cho đối tượng có thường trú tại địa phương, tránh trường hợp các hội nhóm ở nơi khác đến làm loạn giá, mất cơ hội cho người có nhu cầu thực.
Song song với đó, đất đấu giá sẽ không được phép sang tên tối thiểu từ 3 - 5 năm. Hiện nay, tình trạng đấu giá đất sang tay ăn chênh lệch diễn ra quá phổ biến, thậm chí lộ liễu khi ngay bên ngoài hội trường đấu giá đã có môi giới chờ sẵn để “ôm” những lô trúng giá để bán lại. Thậm chí, xung quanh các khu vực đấu giá, hàng loạt “sàn bất động sản” theo diện, căng bạt, che ô, kê bàn nhựa, chào mời người mua.
Việc sang tay chuyển nhượng “lướt cọc”, có lô đất có thể mang về lợi nhuận tới 600 triệu đồng. Đây là một con số rất lớn so với thời gian giao dịch và số vốn bỏ ra, bằng tổng thu nhập nhiều năm của người lao động phổ thông. Điều này sẽ kéo theo tâm lý “có tiền chẳng biết để đâu, làm mấy lô đất làm giàu cho nhanh”, gây ra hệ lụy tiền “chôn” vào đấy, không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cần thu hẹp thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính xuống còn dưới 15 ngày do thời gian hoàn thành càng kéo dài sẽ càng tạo cơ hội cho các đội nhóm đầu cơ có thể giao dịch sang ta. Đồng thời, phải cam kết xây dựng mới được phép chuyển nhượng, có thể là xây dựng cơ bản xong cập nhật tài sản lên sổ đỏ mới được giao dịch.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu thực hiện được các điều kiện này, sẽ đáp ứng được đúng mục tiêu đất để ở, hạn chế tình trạng bỏ hoang, lãng phí đất sau đấu giá. Nếu là người có nhu cầu ở thật, họ sẽ chuẩn bị tài chính đầy đủ, tìm cách để khai thác, sử dụng đất, trong khi đó, mục tiêu của giới đầu cơ là hạn chế vốn càng ít càng tốt.