Người dân cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng tâm linh để lừa bán bùa chú

Theo cơ quan chức năng, nhóm đối tượng đã tự chế phẩm màu và hương liệu, sau đó đóng vào lọ thủy tinh nhỏ để làm "bùa yêu", rồi bán qua mạng xã hội. Giá của mỗi túi "bùa yêu" dao động từ 250.000 - 500.000 đồng.

“Bùa yêu” từ phẩm màu và hương liệu

Ngày 5/12, Công an huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã tiến hành khởi tố 3 đối tượng Lê Văn Hưng (22 tuổi), Lê Văn Truyền (20 tuổi) và Nguyễn Phi Lương (21 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cả 3 đối tượng đều cư trú tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng.

Trước đó, vào khoảng tháng 8, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an huyện Kim Bảng phát hiện nhóm đối tượng này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội bằng cách bán "bùa yêu".

3 đối tượng bị Công an huyện Kim Bảng khởi tố

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là sử dụng nhiều tài khoản Facebook như "Vũ Hoàng Thiên - Tâm Linh Thái Lan", "Nguyễn Tâm Linh Thái Lan", "Nguyễn Phong - Tâm Linh Thái Lan" để quảng cáo "bùa yêu", với những lời lẽ có cánh như giúp người yêu, để vợ/chồng phải nghe lời, thu hút tài lộc…

Khi khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ hàng nghìn túi "bùa yêu", bên trong có 1 chai nước hương liệu, 1 lá bùa kèm hướng dẫn sử dụng. Theo cơ quan chức năng, nhóm này tự chế phẩm màu và hương liệu, sau đó đóng vào lọ thủy tinh nhỏ hoặc chất bột để làm "bùa yêu", rồi bán qua mạng xã hội. Giá của mỗi túi "bùa yêu" dao động từ 250.000 - 500.000 đồng.

Cơ quan công an xác định, nhóm đối tượng này chỉ mới hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng đã lừa đảo được hàng trăm người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Những chai "nước bùa yêu" được chế bằng phẩm màu và hương liệu

Trước đó, vào tháng 6, Công an thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) cũng đã triệt phá thành công một ổ nhóm lừa đảo bán "bùa ngải" qua mạng internet, bắt giữ 3 đối tượng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã sử dụng nhiều số điện thoại và các nền tảng mạng xã hội như Telegram, Facebook, Zalo để rao bán các loại "bùa giữ người yêu", "bùa giữ vợ/chồng", "bùa ghét", "bùa nghe lời", "bùa làm ăn" với giá từ 9.900.000 - 10.900.000 đồng/"bùa".

Sau khi có khách hàng, chúng sẽ làm "bùa" từ các nguyên liệu như ngải cứu, gừng, muối, lá thảo mộc, rồi gửi cho nạn nhân. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán "bùa ngải" cho hàng nghìn người trên cả nước, thu lợi bất chính hơn 86 tỷ đồng.

"Bùa ngải" bị Công an thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) thu giữ

Bùng nổ các hội, nhóm liên quan đến bùa ngải

Thời gian qua, mạng xã hội chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các hội, nhóm liên quan đến bùa ngải, mê tín dị đoan với mục đích núp bóng tâm linh. Những hội, nhóm này không chỉ thu hút đông đảo người tham gia mà còn tạo ra một thị trường ngầm nhộn nhịp, nơi hàng nghìn người tìm đến với hy vọng bùa ngải sẽ giúp họ giải quyết các vấn đề về tình cảm, tài chính hay những khó khăn khác trong cuộc sống.

Trên những hội nhóm này, hình thức các loại bùa ngải rất đa dạng, nhưng được tìm kiếm và chia sẻ nhiều nhất là bùa yêu, bùa tài lộc - thăng quan tiến chức, bùa trục vong...

Đáng chú ý, không ít thầy bói, thầy cúng online đã ẩn náu trong những hội nhóm này, chờ đợi cơ hội để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Những người này online tự xưng là "chuyên gia" về tâm linh và bùa ngải. Thậm chí, họ còn khoe "giấy chứng nhận" hoặc "bằng cấp" giả mạo để tạo lòng tin với nạn nhân và dễ dàng lừa gạt họ.

Các thầy cúng online sẽ "làm phép" theo yêu cầu của khách hàng tương ướng với mỗi loại bùa. Những người tìm đến các loại bùa này thường đang gặp khó khăn trong tình cảm hay tài chính và có niềm tin rất lớn vào các thế lực siêu nhiên. Chính sự tin tưởng này khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo bán bùa và các thầy bói, thầy cúng online.

Công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa dân tộc để trục lợi

Trước tình trạng gia tăng các vụ lợi dụng tâm linh và niềm tin tôn giáo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng thời gian qua đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Công an khuyến cáo, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa dân tộc để trục lợi.

Trong khi đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, tâm linh là một giá trị văn hóa truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, giả mạo các dịch vụ tâm linh nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ tâm linh trực tuyến xuất phát từ tâm lý của nhiều người muốn nhờ thầy cúng, thầy bói giải quyết vận xui hoặc cầu may mắn. Điều này đã tạo cơ hội cho các hành vi lừa đảo, lợi dụng mê tín dị đoan và bói toán trực tuyến để trục lợi, làm biến tướng giá trị của tâm linh.

Luật sư Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự cho biết, tùy theo mức độ vi phạm, hành vi lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, chiếm đoạt tài sản người khác từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mức xử phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm. Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng một trong những hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu tài sản.

Ngoài ra, hành vi lừa đảo tâm linh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015.