iOS được đánh giá là một trong những hệ điều hành kín với tính năng bảo mật vượt trội so với các hệ điều hành mở như Android trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với nhiều bất cập và hạn chế đối với người dùng khi muốn thay đổi ứng dụng yêu thích của mình. Tới đây, những hạn chế, bất cập đó sẽ phải được giải quyết khi Đạo luật thị trường kỹ thuật số của châu Âu đã chính thức có hiệu lực.
Đạo luật yêu cầu những “người gác cổng” – bao gồm các công ty công nghệ có mức độ phủ và sức ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng như Apple, Meta và Amazon... buộc phải thay đổi. Trong đó, đạo luật đặc biệt cấm "người gác cổng" ưu tiên nền tảng của mình hoặc buộc người dùng phải sử dụng các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của mình.
Quy định ngay lập tức ảnh hưởng tới Apple, không chỉ áp dụng cho “chợ ảo” AppStore mà còn với các ứng dụng hàng đầu của họ, bao gồm Safari. Nếu như trước đây, Safari là mặc định trong iPhone. Khi truy cập vào một đường link bất kỳ từ các ứng dụng khác, nó sẽ tự động đi tới trình duyệt này. Tới đây, khi người dùng ở EU truy cập web, họ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. iPhone sẽ hiển thị thông báo để người dùng có thể mở Safari hoặc một trình duyệt khác tương tự. Điều này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho các nhà phát triển trình duyệt web khác như Chrome, Firefox, Bing, Coccoc... hiện diện nhiều hơn trên iPhone – vốn đang chiếm thị phần rất lớn trong thị trường điện thoại di động thông minh. Sự thay đổi kể trên sẽ được thấy rõ trên iOS 17.4.
Được biết, Apple cũng đang tạo ra một giải pháp để người dùng có thể truyền dữ liệu từ trình duyệt Safari sang các trình duyệt khác trên cùng một thiết bị và ngược lại.
Apple cũng đang thực hiện những thay đổi làm cho việc chuyển dữ liệu từ iPhone sang các thiết bị chạy hệ điều hành khác như Android được dễ dàng hơn. Người dùng có thể nhập dữ liệu trên iPhone cũ của mình sang các thiết bị chạy Android mà không còn bị giới hạn, khó khăn như trước.
Mặc dù cam kết sẽ tuân thủ các quy định mới của Đạo luật thị trường kỹ thuật số của EU, nhưng Apple cũng nhấn mạnh rằng, các thay đổi kể trên thực sự không có lợi cho người dùng lẫn các nhà phát triển. Chúng có thể bao gồm những rủi ro như mở đường cho các phần mềm độc hại, gian lận, lừa đảo… cũng như các mối đe dọa về quyền riêng tư, bảo mật khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “tấm khiên” trên các thiết bị chạy iOS bị ảnh hưởng, làm cho việc phát hiện, ngăn chặn các ứng dụng độc hại cũng như hỗ trợ người dùng trở nên khó khăn hơn.
Công ty cũng đã đưa ra một hướng dẫn dành cho các nhà phát triển ứng dụng và thanh toán của bên thứ 3 hoạt động trên thiết bị của mình tại châu Âu. Tuy nhiên, họ cũng tuyên bố rằng chúng sẽ không hiệu quả hoàn toàn.