Duolingo là ứng dụng học ngoại ngữ do giáo sư Luis von Ahn và nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn, Severin Hacker, cùng phát triển tại trường Đại học Carnegie Mellion, Pittsburg (Mỹ) với mong muốn tạo một nền tảng học ngôn ngữ miễn phí. Mặc dù đã ra mắt cách đây cả chục năm (năm 2011) và gần như không có doanh thu, trong năm 2024, DuoLingo đã trở thành một hiện tượng khi có cú trở mình, trở thành cơn “sốt” trên không gian mạng với doanh số 500 triệu USD/năm khi nhu cầu học ngoại ngữ của người dùng tăng cao.
Theo ghi chú từ Seaport Global, thị trường học ngôn ngữ đang ngày càng chuyển sang các phương thức trực tuyến với việc Duolingo đã nổi lên như một người dẫn đầu rõ ràng với mô hình "freemium" (miễn phí nhưng tốt như trả phí) của mình.
Biểu tượng của app Duolingo là hình một chú cú màu xanh lá cây, chú cú này có nhiệm vụ nhắc nhở người dùng vào học cũng như là đồng hành cùng họ trong lúc sử dụng ứng dụng.
Bên cạnh những mặt đáng yêu, “con cú xanh” cũng gây ra không ít nỗi ám ảnh cho người dùng khi không học tập chăm chỉ, chú cú sẽ liên tục gửi các tin nhắn từ nhắc nhở, dỗi hờn, đến những thông báo hăm dọa… Cách tương tác kiểu gây hấn “chửi như hát hay” và tác dụng ngược là một trong những đặc trưng của ứng dụng này, nhằm kích thích người dùng kiên trì học tập. Đây cũng là cách mà một số ứng dụng gây "sốt" gần đây như Ứng dụng quản lý tài chính Rolly tương tác với người dùng.
Theo CNBC, Duolingo mới đây đã xác nhận sự gia tăng tới 216% về số người học tiếng Quan Thoại sử dụng ứng dụng so với một năm trước đó. Sự tăng trưởng này được cho là có liên quan đến nhu cầu sử dụng mạng xã hội Rednote (Xiaohongshu) – “người anh em cùng nhà” của TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance gần đây. Ứng dụng này sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông của Trung Quốc).
Là ứng dụng được hưởng lợi lớn từ làn sóng người dùng TikTok tại Mỹ “di cư” khỏi ứng dụng khi thời hạn lệnh cấm sắp có hiệu lực, RedNote có lượt tải xuống ứng dụng tại Mỹ tăng gấp 20 lần chỉ trong tuần qua. RedNote đã tăng vọt trở thành ứng dụng miễn phí số 1 trên cửa hàng ứng dụng Apple và liên tục nắm giữ vị trí đó trong nhiều ngày qua. Các vị trí tiếp theo trên các cửa hàng ứng dụng là RedNote là Lemon8 của ByteDance, Clapper của Mỹ, ChatGPT của OpenAI và Theard của Meta…
Trong một khảo sát mà Duolingo thực hiện dành cho người dùng mới, khi được hỏi về "Từ đâu bạn biết đến chúng tôi?", số lượng người dùng chọn "TikTok" cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh.
Duolingo cũng đã có một dòng trạng thái đăng tải trên X hôm 15/1 với nội dung: "Thì ra bây giờ các bạn mới học tiếng Trung", thể hiện sự thay đổi kể trên, đồng thời tung ra một video quảng cáo trên TikTok để khuyến khích người dùng sử dụng ứng dụng để học ngôn ngữ này.
Chưa hết, dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin ứng dụng Appfigures cho thấy số lượng người dùng tải Duolingo để học ngôn ngữ cũng có sự tăng trưởng. Kể từ ngày 3/1, lượt tải Duolingo trên cả hai cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play đã tăng 36%, cho thấy nhiều người dùng có thể thử nghiệm các ứng dụng xã hội khác của Trung Quốc, trước khi làn sóng sử dụng RedNote bùng nổ.
Duolingo cung cấp các khóa học trực tuyến và di động trên 42 ngôn ngữ. Ứng dụng này hiện có 48,8 triệu người học tiếng Tây Ban Nha, 27,3 triệu người học tiếng Pháp, và hiện có 10,7 triệu người dùng tiếng Trung.