Nguồn cung dồi dào hơn, "vàng chợ đen" dần thưa thớt

Các chuyên gia cho rằng, thời gian trước, giá vàng tăng do không có nguồn nhưng 2-3 tháng nay, nguồn cung dần dồi dào nên khả năng “khan” vàng sẽ không như trước.

Trong bối cảnh khó đăng ký vàng online, lượng bán ra “nhỏ giọt”, vàng nhẫn cũng khan hiếm khiến thị trường vàng "chợ đen" hoạt động tấp nập, với mức giá chênh từ 1- 5 triệu đồng/lượng tùy loại vàng và thời điểm.

Trên mạng xã hội còn có những hội nhóm nhận đăng ký hộ, bán các suất đăng ký mua vàng online tại 4 ngân hàng với mức giá dao động khoảng 300.000 đồng/suất. Việc tìm đến vàng “chợ đen” hoặc chấp nhận mất thêm khoản phí đăng ký online của người dân chủ yếu đến từ việc nông nóng, sợ giá tăng. Tuy nhiên, những ngày gần đây thị trường đã khác.

Giá vàng “chợ đen” lao dốc, “chợ suất” bị…bom hàng

Ngày 13/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ điều chỉnh tăng giá bán vàng miếng SJC cho 5 đơn vị chỉ định, giá vàng trên thị trường tăng mạnh lên mốc 80 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là mức giá vàng miếng cao nhất trong hơn 2 tháng qua, kể từ khi NHNN can thiệp ổn định thị trường.

Cùng với đà tăng của vàng miếng, vàng nhẫn cũng tăng 500.000 đồng mỗi lượng lên mức 77,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng vẫn được các doanh nghiệp duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn khoảng hơn 1 triệu đồng.

Giá vàng miếng SJC ghi nhận mức tăng cao nhất trong 2 tháng qua

Ngay sau động thái từ NHNN, giá vàng miếng SJC tại thị trường tự do rơi từ mức 80,75 triệu đồng/lượng xuống 80,43 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, ở chiều mua vào giá chỉ còn 79,83 triệu đồng/lượng. Diễn biến này đã khiến nhiều người mua đi bán lại đứng ngồi không yên.

Đặc biệt, trên các hội nhóm giao dịch suất mua vàng miếng SJC cũng xôn xao khi nhiều người tuyên bố “rời cuộc chơi” vì với mức giá hiện nay khó mua đi bán lại. Song song với đó, người có nhu cầu săn hộ vàng cũng giảm đáng kể vì nếu mua vàng từ các ngân hàng, sau đó bán lại trên thị trường tự do sẽ bị lỗ vốn, chưa kể phần chi phí phải trả cho người “săn” suất.

Hơn nữa, kể từ 8/8, Vietcombank và VietinBank đã thay đổi thời gian giao vàng cho khách hàng sau 2 ngày kể từ ngày đăng ký mua và thanh toán thành công. Do vậy, rủi ro càng tăng nếu giá vàng biến động mạnh, giảm sức hút của vàng.

Theo một chủ tiệm vàng, từ khi NHNN bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC thì giá vàng miếng trên thị trường chợ đen luôn cao ít nhất 2 triệu đồng, thậm chi có thời điểm lên tới 7 triệu đồng/lượng.

Do đó, nhiều người sẵn sàng “săn” mua vàng miếng tại các ngân hàng để bán lại kiếm lời, nhưng với diễn biến của những ngày gần đây, người có nhu cầu mua đi bán lại sẽ không còn được hưởng lợi, nên giao dịch thưa thớt và bị "bom hàng" là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia vàng độc lập Trần Duy Phương, NHNN đã có nhiều thành công trong quản lý thị trường vàng khi rút ngắn được chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, từ 17 – 18 triệu đồng xuống trung bình 4 -5 triệu đồng/lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng, đưa giá vàng về mức tốt trong năm nay.

Cần nhiều điểm bán chỉ định hơn

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Duy Phương cũng nhận định, NHNN không nên kéo dài can thiệp hành chính vào thị trường vàng mà chỉ giữ vai trò giám sát. Bởi lẽ, thị trường vàng “chợ đen” hình thành chủ yếu đến từ nguyên nhân nguồn cung vàng trên thị trường thời gian qua hạn chế, nhưng đến nay nguồn cung đã dồi dào, không còn “khan” hàng như trước đây.

Cũng theo ông Phương, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, lượng vàng miếng SJC bình ổn và lượng đấu thầu tung ra thị trường đã rất lớn, lên tới 300.000 lượng. Trong khi giá vàng cũng đã rút ngắn khoảng cách so với thế giới, nên NHNN cần xem xét trả lại cơ chế vàng cho thị trường quyết định.

Thị trường vàng “chợ đen” hình thành chủ yếu đến từ nguyên nhân nguồn cung vàng trên thị trường thời gian qua hạn chế

Trong trường hợp NHNN vẫn duy trì sự can thiệp, ông Phương kiến nghị, nên mở rộng điểm bán vàng, thay vì chỉ có 5 đơn vị chỉ định như hiện nay. Những đối tượng tham gia có thể là các ngân hàng khác, hoặc những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp để ổn định thị trường vàng miếng, còn câu chuyện khan hiếm vàng nhẫn vẫn cần cho nhập vàng nguyên liệu. Hiện, nhiều doanh nghiệp muốn sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức nhưng 10 năm qua không nhập thêm vàng nguyên liệu. Điều này dẫn đến việc lượng vàng nguyên liệu có chứng từ cũng ít, khiến lượng bán ra cũng ít theo.

Do đó, ông Phương kiến nghị NHNN xem xét cho nhập dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp. Có thể cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu hoặc NHNN trực tiếp đứng ra nhập khẩu sau đó phân phối lại. Nếu không giải quyết vấn đề này thì hoạt động mua bán vàng ở “chợ đen” sẽ vẫn diễn ra, đẩy rủi ro về phía người dân vì chất lượng không được giám sát.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng bán vàng và các doanh nghiệp cần minh bạch số lượng mua bán với NHNN. Khi có dữ liệu chuẩn về cung cầu thị trường, cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách quản lý, mua bán và nhập khẩu nguyên liệu phù hợp, cân bằng được cung cầu vàng.