Ngày 5/8, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã chính thức thu mua lại vàng miếng SJC một chữ trên số sê ri và vàng móp méo, sau hơn 2 tuần tạm ngừng thu mua. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra lùm xùm, phân biệt đối với vàng một chữ. Vậy, giữa vàng miếng một chữ và vàng hai chữ khác nhau như thế nào?
Quyền lợi của người dân luôn được đảm bảo
Mới đây, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM đã lên tiếng về sự việc này. Ông Lệnh khẳng định, vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia do Nhà nước quản lý và có quy định cụ thể về sản xuất, gia công, mua bán. Do vậy, vàng miếng SJC loại ký hiệu một chữ hay hai chữ có chất lượng và giá trị như nhau.
Cũng theo ông Lệnh, nếu có sự phân biệt giữa hai loại vàng miếng SJC này chỉ là thời điểm sản xuất và ký tự chữ trước dãy số sê ri nên người dân yên tâm về việc sở hữu. NHNN khẳng định, đảm bảo việc mua bán vàng diễn ra bình thường nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định như bán đúng địa điểm cấp phép, chấp hành chế độ hóa đơn, công khai minh bạc và các quy định có liên quan khác.
Đồng thời, ông Lệnh cũng nhấn mạnh, vàng là loại hàng hóa đặc biệt nên cơ chế quản lý sẽ theo hướng thắt chặt hoạt động kinh doanh, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, lợi ích của người dân luôn được đảm bảo nhưng song hành với đó là việc phải chấp hành quy định của pháp luật.
Trước đó, bà Lê Thúy Hằng -Tổng giám đốc SJC cho biết, vàng miếng SJC loại một ký tự được sản xuất từ trước năm 1996 và đã dành một thời gian để khách hàng chuyển đổi sang loại hai ký tự mà không tốn bất kỳ loại chi phí nào. Trong nhiều năm qua, công ty vẫn thực hiện mua vào loại vàng miếng SJC một ký tự, vàng móp méo, cong vênh, không đủ tiêu chuẩn lưu thông để gia công lại.
Để thực hiện các công đoạn gia công lại, công ty phải bố trí nguồn lực và được sự cho phép của NHNN. Việc Công ty SJC tạm ngưng thu mua vàng trong những ngày gần đây do nguyên nhân khách quan. Hiện, công ty đã bố trí được nguồn lực nên sẽ tiếp tục thu mua với mức giá bằng loại hai ký tự.
Ngừng mua trong kế hoạch?
Nói về việc ngừng mua vàng SJC một chữ trong thời gian qua, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, vàng miếng một chứ hay hai chữ đều sản xuất từ nguyên liệu như nhau, nhưng do có “tuổi đời” lâu hơn nên nhiều người nghĩ vàng một chữ hữu hạn.
Trong khi đó, NHNN khó nắm chắc được có bao nhiêu lượng vàng một chữ để cấp hạn mức dập lại cho SJC. Vì vậy, cơ quan quản lý tiền tệ có thể cho phép SJC hạn ngạch để dập lại, nhưng theo số lượng định mức trên đầu người.
Đồng tình, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, việc không mua lại vàng miếng của SJC đến từ lượng tồn kho của Công ty SJC đang quá lớn, lên đến 1.000 lượng. Đây đều là các loại vàng không đủ điều kiện lưu thông và phải gia công lại, nhưng để thực hiện được động tác này phải được NHNN cho phép.
Do đó, NHNN nên xem xét có cơ tăng tính chủ động của doanh nghiệp. Ví dụ, SJC được mua vào tồn kho khoảng 2.000 hoặc 1.000 lượng vàng thì doanh nghiệp có quyền chủ động gia công, dập lại vàng, quá trình này sẽ được báo cáo đầy đủ và chịu sự giám sát của NHNN. Nếu thực hiện được, vừa có thể đảm bảo vận hành lưu thông thị trường vừa đảm bảo được người sở hữu vàng.
Đáng chú ý, đưa ra một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, về mặt pháp lý, SJC có quyền mua lại hoặc không mua lại vàng SJC tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là động thái nằm trong kế hoạch dập tắt “cơn sốt” vàng.
Hiện, thị trường đã không còn “đảo điên” như giai đoạn trước nhưng “sóng ngầm” vẫn âm ỉ, nhu cầu về vàng của người dân vẫn ở mức cao, thậm chí có khả năng mua rầm rộ nếu được khai thông.
Cũng theo ông Hiếu, sở dĩ người dân vẫn luôn giữ tâm lý “ôm vàng” bởi giá vàng trên thế giới vẫn được dự báo sẽ tăng cao, ít nhất cũng lên đến 2.500 USD/ounce, từ đó tác động cùng chiều đến giá vàng trong nước. Do đó, xu hướng mua vàng tích trữ, đầu tư kiếm lời vẫn luôn luôn hiện hữu. Đây là hoạt động kinh tế bình thường, tương tự với việc đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hay tài sản khác.
Năm 2012, NHNN đã ban hành Nghị định 24 nhằm xử lý dứt điểm tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, thu hẹp từ 9 thương hiệu vàng miếng được cấp phép xuống chỉ còn một loại duy nhất hợp pháp là SJC. Đồng thời NHNN giữ độc quyền về nhập khẩu, sản xuất vàng miếng đến thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Nghị định 24 đang bộc lộ một số bất cập. Do vậy, cơ quan quản lý cần sửa đổi Nghị định theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng SJC, vẫn nắm quyền chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất cho doanh nghiệp, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ.