Những vụ hỏa hoạn thương tâm từ chiếc tủ lạnh
Tối 14/3, một chiếc tủ lạnh (vỏ nhựa) chập cháy gây ra tiếng nổ lớn, khiến căn nhà cho thuê cao 5 tầng, 1 tum trong ngõ 187 Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nghi ngút khói. May mắn rằng vụ việc không có thiệt hại về người nhưng cũng rung lên hồi chuông cảnh báo đối với việc tủ lạnh phát nổ gây nên hỏa hoạn.
Theo Neil Everitt, cựu biên tập viên của Tạp chí điều hòa và điện lạnh ACR News, những sự cố nổ tủ lạnh được coi là "thảm họa bị bỏ qua". Theo Neil, tủ lạnh là thiết bị nguy hiểm trong nhà vì đa số thiết bị điện tử khác trước khi phát nổ thường bốc khói hoặc có tiếng báo động, còn tủ lạnh có thể bất ngờ phát nổ mà không có dấu hiệu cảnh báo khiến người dùng không kịp trở tay.
Trên thực tế, không ít vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ chiếc tủ lạnh. Minh chứng là đầu năm 2023, khi đang sửa chữa tủ lạnh cho khách, trong quá trình bơm bổ sung gas vào tủ lạnh thì khí gas phát nổ khiến anh P.V.C (Ninh Bình) tử vong tại chỗ, một số vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Hay năm 2016, do chập điện tại ổ cắm phía sau tủ lạnh ở tầng trệt nên cửa hàng kinh doanh bếp điện ở quận Tân Phú (TP HCM) bị cháy khiến 4 người tử vong lúc rạng sáng.
Không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng có không ít vụ hỏa hoạn thương tâm liên quan đến sự cố tủ lạnh. Theo Hindustan Times, hồi cuối tháng 12/2023, một tủ lạnh trong quán trà ở Gobindpura Mohalla, gần Vishwakarma Chowk (Ấn Độ) phát nổ khiến 5 người bị thương nặng.
Đầu tháng 7/2023, The Paper đưa tin một vụ nổ "như bom" do tủ lạnh gây ra ở cửa hàng kem ở Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến một người thiệt mạng và một người bị thương. Được biết, sự cố xuất phát từ việc trong quá trình rã đông đá, chủ nhà dùng vật sắc nhọn để cạy lớp tuyết phủ, gây thủng dàn lạnh, dẫn đến rò rỉ ga và phát nổ.
Tháng 3/2023, Indian Express cũng đăng tải thông tin một cảnh sát và một phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà của họ ở làng Nallur gần Pollachi, quận Coimbatore, bang Tamil Nadu (Ấn Độ). Trong đó, nguyên nhân được cảnh sát sở tại xác định là do nổ tủ lạnh.
Năm 2017, hai anh em (8 và 6 tuổi) ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cũng tử vong do tủ lạnh nổ tung. Nguyên nhân được xác định là do bố mẹ hai bé để lon nước có ga trong tủ lạnh. Cùng năm 2017, một chiếc tủ lạnh cũng nổ tung và phát lửa đã thiêu rụi tháp chung cư Grenfell ở London (Anh).
Vì sao tủ lạnh phát nổ
Qua tham khảo tài liệu và khảo sát thực tế, có thể thấy tủ lạnh phát nổ gây nên hỏa hoạn là do một trong các nguyên nhân phổ biến sau:
Thứ nhất, tủ lạnh bị rò rỉ gas. Gas được sử dụng trong tủ lạnh để làm lạnh không gian bên trong. Tuy nhiên, nếu không được bảo quản và sử dụng đúng cách, gas có thể rò rỉ ra ngoài và gây nguy hiểm cho người dùng.
Nhiều ngăn đông tủ lạnh sau thời gian dài sử dụng thường bị đóng đá hoặc tuyết ở cạnh. Nhiều người dùng vật cứng, nhọn để cạy lớp đóng băng này, giúp tủ làm mát tốt hơn nhưng vô tình làm rách thành ngăn đông, khiến chất làm lạnh bị rò rỉ, có nguy cơ khiến tủ lạnh phát nổ.
Thói quen dùng vật cứng, nhọn để cạy lớp đóng băng này, giúp tủ làm mát tốt hơn nhưng vô tình làm rách thành của ngăn đông, khiến chất làm lạnh bị rò rỉ, có nguy cơ khiến tủ lạnh phát nổ.
Thứ hai, để nước ngọt có gas trong ngăn đông. Nước ngọt có gas sẽ tạo ra áp suất và khiến tủ lạnh hoạt động quá tải, dẫn đến việc hư hỏng và có thể gây nổ.
Thứ ba, đặt chất dễ cháy trong tủ lạnh. Ngoài việc bị rò rỉ gas, tủ lạnh cũng có thể phát nổ do việc đặt các chất dễ cháy trong tủ lạnh. Vì tính chất làm lạnh của tủ, nhiệt độ bên trong thường rất thấp, điều này có thể làm cho các chất dễ cháy như rượu, xăng, dầu... trở nên dễ bay hơi và tích tụ trong tủ lạnh. Khi có nguồn lửa hay tia lửa nhỏ, chúng có thể gây ra vụ nổ nguy hiểm.
Thứ tư là đặt tủ lạnh gần nguồn nhiệt như bếp, lò vi sóng, lò nướng... Điều này có thể làm cho tủ lạnh hoạt động quá tải và dẫn đến việc phát nổ. Nhiệt độ từ các nguồn này sẽ làm cho tủ lạnh hoạt động liên tục để duy trì độ lạnh bên trong, dẫn đến việc hư hỏng và có thể gây nổ. Ngoài ra, nó cũng là nguyên nhân khiến các bộ phận bên trong tủ lạnh bị nóng quá mức và gây ra các sự cố khác.
Thứ năm là do tủ quá cũ. Với thời gian sử dụng lâu, các bộ phận bên trong tủ lạnh sẽ bị mòn hoặc hư hỏng, dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả và có thể gây ra các sự cố nguy hiểm.
Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người không nên để tủ lạnh sát bếp, cạnh lò vi sóng, lò nướng, máy phát sóng, các dụng cụ dẫn điện, nơi tiếp xúc gần với lửa. Không nên để đồ uống có ga vào trong ngăn đá tủ lạnh.
Còn Wayne Archer, chuyên gia điện gia dụng của Sears Home Services, khuyến cáo người dùng nên để ý đến tiếng kêu của tủ. Ví dụ nếu bình thường máy nén chạy sẽ tạo ra tiếng kêu vo ve, ổn định ở tần số cao. Nhưng nếu tủ lạnh phát ra âm thanh chói tai, hoặc tệ hơn là không có tiếng ồn, có thể dây dẫn khí làm lạnh đã bị tắc.
Cần đặt tủ lạnh ở những nơi thoáng mát, không ẩm ướt và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Tránh đặt tủ quá sát tường và không đặt thiết bị điện lên trên tủ. Nếu cần phải đặt tủ lạnh ở nơi có ánh sáng mặt trời, bạn nên dùng màn che để bảo vệ tủ lạnh khỏi nắng nóng.
Nếu có dấu hiệu cho thấy tủ có nguy cơ bị nổ, ngay lập tức ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn, phòng tránh gây nên những vụ nổ và hỏa hoạn thương tâm.