Nếu như trước đây mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Kim Mã, Phố Huế, Xã Đàn, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng…luôn nhộn nhịp “kẻ bán, người mua”, cho thuê với giá vài chục triệu đến trăm triệu/tháng tùy diện tích thì nay rơi vào tình trạng bỏ trống hàng loạt, tăng dần theo thời gian.
Nhiều nhà mặt tiền cho biết, chưa thể tìm được khách thuê dù treo biển suốt từ năm ngoái đến nay. Ghi nhận thực tế tại đường Kim Mã, chỉ tính riêng bên số nhà lẻ đoạn từ ngã tư giao Núi Trúc đến Nguyễn Thái Học đã có khoảng 30 cửa hàng đã đóng, đang treo biển cho thuê.
Thay biển cho thuê bằng biển bán nhà
Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM lâu nay vốn được xem là “trung tâm kinh tế” với giá mặt bằng cho thuê lên đến cả tỉ đồng/tháng cũng đang chịu chung cảnh ngộ, hàng loạt các căn nhà ở tuyến đường đắc địa quận 1 như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Ngô Đức Kế cũng “ế ẩm” thời gian dài, thậm chí có những căn đã để trống từ đại dịch Covid-19.
Không chỉ treo biển tại cửa nhà, trên các hội nhóm, trang rao vặt liên quan đến bán và cho thuê bất động sản, mỗi ngày đều có hàng chục tin rao cho thuê nhà mặt phố, chuyển nhượng lại cửa hàng thời trang, nhà hàng…
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại shophouse của những dự án, vốn được đánh giá là có sẵn lượng khách của khu đô thị. Tại một dự án khu Tây Hồ Tây, dù đã được bàn giao từ đầu năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa đến 10 căn có khách thuê, những căn còn lại đều trong tình trạng treo biển cho thuê nhiều tháng nhưng vẫn “cửa đóng, then cài”. Hay như các căn nhà liền kề, shophouse ở khu vực “nhà giàu” quận 7 cũng san sát biển cho thuê.
Theo một môi giới chuyên bán và cho thuê nhà thổ cư trung tâm Hà Nội, trong khoảng chục năm gần đây, chưa khi nào mặt bằng đẹp lại có nhiều sự lựa chọn như hiện nay. Trước đây, những cửa hàng ở Kim Mã, Chùa Bộc…khách cũ chưa đi đã có khách mới chờ sẵn nộp cọc, nhưng hiện nay dù chủ nhà đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn khó tìm khách thuê.
Trước tình trạng “ế ẩm” mặt bằng, một số chủ nhà đã thay biển cho thuê bằng biển bán nhà như trên đường Lê Lợi (quận 1), đường Nguyễn Văn Linh, Pham Khiêm Ích, Phạm Văn Nghị (quận 7, TP.HCM); hay phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội)…Ngay cả kênh online, mỗi ngày cũng có khá nhiều bằng đăng liên quan đến việc bán nhà các mặt phố lớn, shophouse, nhà liền kề.
Theo một chủ nhà trên phố Tôn Đức Thắng, căn nhà mặt phố rộng 50m2, 6 tầng, mặt tiền 4m mà anh đang sở hữu trước đây cho thuê với giá 40 triệu đồng/tháng nhưng do khách thuê trả và không ai thuê tiếp nên anh rao bán với giá 27 tỉ đồng để tính phương án đầu tư vào phân khúc khác.
Tương tự, một chủ nhà trên phố Kim Mã cũng cho biết đang muốn bán căn nhà mặt tiền 3m sau thời gian dài không cho thuê được với giá 18 tỉ đồng, diện tích đất là 14,1m2, 5 tầng, tổng diện tích xây dựng là 147m2.
Khách chủ yếu đến xem
Cũng theo vị chủ nhà phố Tôn Đức Thắng, với mức giá mà căn nhà anh đang rao bán đã rẻ hơn trước rất nhiều, bao gồm luôn cả phí thủ tục sổ đỏ, sang nhượng nhưng cũng ít người hỏi. Khách hỏi cũng chỉ đến xem và hẹn liên lạc lại nhưng cũng không thấy đâu.
Vị chủ nhà trên phố Kim Mã cũng cho biết, khách đến xem nhà nhiều, nhưng việc phải bỏ ra số tiền lớn khiến họ đắn đo và hẹn sau khi cân nhắc sẽ báo lại. Tuy nhiên, khi khách ra về chủ nhà cũng tự hiểu là khả năng “chốt mua” là gần như ở mức thấp.
Tương tự, tình trạng người hỏi mua ít hơn lượng nhà phố riêng lẻ rao bán cũng diễn ra tại TP.HCM, bất chấp việc nhiều chủ nhà đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như giảm giá bán, tặng nội thất, nếu không lấy nội thất sẽ trừ vào giá bán…
Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện phân khúc nhà mặt phố đang gặp khó khăn về thanh khoản, bởi những căn nhà này thường có giá trị lớn vài chục tỉ đồng/căn, có những căn có diện tích, mặt tiền lớn còn có thể có giá đến trăm tỉ đồng sẽ kén khách hơn những loại hình khác.
Trong khi đó, khi “xuống tiền” mua nhà để sinh lời, nhà đầu tư thường quan tâm đến 2 tiêu chí là dòng tiền khai thác và tiềm năng giá tương lai. Hiện, việc cho thuê đang gặp rất nhiều khó khăn, người trả mặt bằng nhiều hơn người muốn thuê mặt bằng, ngay cả cho thuê được cũng ở mức giá thấp hơn kỳ vọng.
“Ưu điểm của phương án này là chỉ quản lý một tài sản, ít tốn công tìm khách thuê. Rủi ro lớn nhất phải đối mặt là có thể mất toàn bộ dòng tiền nếu căn nhà không được lấp đầy liên tục trong năm”, ông Nguyễn Thế Điệp, chuyên gia bất động sản nhận định.
Cũng theo ông Điệp, với số tiền mua nhà mặt phố nếu chuyển sang đầu tư chung cư thì việc khai thác cho thuê sẽ nhiều hơn, ít gặp rủi ro bị bỏ trống tài sản, nhà đầu tư chỉ tốn thêm công sức, thời gian tìm khách thuê và quản lý.