Khó tìm khách thuê nhưng không giảm giá
Ghi nhận tại hàng loạt con phố vốn buôn bán sầm uất trước kia như Kim Mã, Phố Huế, Hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Cầu Giấy…hiện tại ở trong cảnh hiu hắt. Cứ đi vài chục mét lại thấy biển hiệu cho thuê, sang nhượng mặt bằng. Thậm chí một số nhà mặt tiền còn chưa tìm được khách thuê suốt từ cuối năm ngoái đến nay.
Tại phố Kim Mã - con phố vốn tập trung nhiều cửa hàng thời trang, trước đây để thuê được một mặt bằng là cực kỳ khó khăn, bởi lẽ cứ hở ra là có người đặt cọc. Nhưng nay chỉ riêng đoạn từ ngã tư giao Núi Trúc đến Nguyễn Thái Học đã có khoảng 30 cửa hàng cửa đóng then cài hoặc treo biển cho thuê.
Theo lời anh Minh Phương, môi giới nhà thổ cư cho biết, trong khoảng chục năm gần đây, chưa khi nào mặt bằng đẹp lại có nhiều lựa chọn như lức này. Trước đây, một căn 4, 5 tầng ở Xã Đàn khách cũ chưa đi khách mới đã tấp nập tới xem. Hiện nay việc cho thuê khó hơn rất nhiều, mặc dù chủ nhà có chính sách hỗ trợ như giảm cọc, thanh toán 3 tháng thay vì nửa năm.
Chị Lê Thị Vân, phố Cầu Giấy chia sẻ, từ đầu năm nay nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố bỏ trống, mức giá thuê cao trong khi tình hình doanh thì ảm đạm. Chị cũng cho biết, mức giá thuê mặt bằng trên phố hiện dao động từ 35-90 triệu đồng/tháng.
Tại các tuyến phố khác như Tôn Đức Thắng, Kim Mã, nhiều mặt bằng cũng có giá thuê lên đến 90 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, như lời chia sẻ của anh Trần Hải, một môi giới bất động sản, có trường hợp một hệ thống cửa hàng trên phố Kim Mã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng do kinh doanh ế ẩm. “Giai đoạn hiện nay nhu cầu tìm thuê mặt bằng kinh doanh vẫn lớn. Nhưng nhiều chủ nhà lại không giảm giá dù để trống thời gian dài. Trong khi tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên người thuê mặt bằng cũng cân nhắc nhiều về giá” - anh Hải cho biết.
Do sức mua của thị trường còn kém
Trước thực trạng thị trường nhà phố cho thuê ảm đạm, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng có 3 nguyên nhân chính.
Một là, bên đi thuê có sự thay đổi từ bán hàng truyền thống sang bán online trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, là sau thời điểm dịch COVID-19, thương mại điện tử phát triển rất nhanh, hình thức này cũng giúp người bán giảm chi phí thuê mặt bằng.
Hai là, lượng khách đi mua sắm khu vực trung tâm sụt giảm do các yếu tố như khó khăn về kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thói quen mua sắm thay đổi,… Ba là, xu hướng mở rộng thị trường tỉnh của các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, vấn đề cần phải xem xét tỷ lệ trả mặt bằng là bao nhiêu mới là quan trọng. Ông nhận định, trong tương lai những vấn đề như vậy vẫn còn tồn tại do sức mua của thị trường hơi kém, khi nào sức mua mạnh lên thì người ta mới thuê mặt bằng nhiều.
Đáng nói, dù tình hình kinh doanh trên các tuyến phố “đất vàng” tại Hà Nội vẫn ảm đạm nhưng theo dự báo mới đây của Savills Việt Nam thì thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ trở lại sôi động hơn.
Cũng đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hiện tại không ít khách thuê dù đang có nhu cầu nhưng vẫn chờ đợi để có được những mặt bằng bán lẻ rẻ hơn. Theo diễn biến chung, nhiều khả năng từ quý II/2024 thị trường mặt bằng bán lẻ dần khởi sắc, song cũng chỉ đạt khoảng 80% so với thời điểm trước năm 2019.
Còn theo nhận định của bà Hoàng Nguyệt Minh - chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội, các chủ đơn vị bất động sản, nhất là nhà phố cho thuê cần thay đổi để thích nghi với bổi cảnh mới. Theo đó, chủ nhà nên đưa giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá gây khó cho khách hàng có nhu cầu thuê, kinh doanh.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chuyên trang Batdongsan.com.vn dự báo, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các nhãn hàng nước ngoài quay lại Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ cơ bản sẽ chuyển động trong năm 2024.