Nhiều mặt bằng "đất vàng” Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không

Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng trên nhiều tuyến phố sầm uất của Hà Nội, nhiều mặt bằng kinh doanh vẫn đang đóng của im lìm và “loay hoay” tìm kiếm người thuê nhà.

Hàng loạt các con phố đắt đỏ bậc nhất của Hà Nội như Hàng Đào, Hàng Bông, Phố Huế, Quang Trung,… từng là những địa điểm cho thuê “mơ ước” của rất nhiều tiểu thương buôn bán, tuy nhiên những mặt bằng cho thuê tại đây vẫn đồng loạt nằm im vắng khách thuê.

Hàng loạt các biển quảng cáo như thanh lý, sang nhượng toàn bộ cửa hàng hoặc cho thuê nhà được in to và treo chằng chịt bỗng trở thành hình ảnh quen thuộc ở những tuyến phố trung tâm. Hoạt động kinh doanh trở nên thưa thớt, các mặt tiền đắt giá này giờ đây nhiều lúc lại trở thành nơi ngồi nghỉ cho người qua đường.

img-9144-min-1710071367.jpg

Nhiều cửa hàng tại khu vực buôn bán sầm uất treo biển cho thuê cửa hàng. (Ảnh: T.A)

Anh Hoàng Văn Thụ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ sau khi diễn ra dịch bệnh Covid đến giờ, việc cho thuê mặt bằng buôn bán tại đây trở nên rất khó khăn. Mặc dù vẫn rất đông người tìm đến hỏi thuê nhà nhưng khi nghe đến giá thuê họ đều lắc đầu ngay, nếu bây giờ có giảm 30 – 40% giá thuê đi chăng nữa cũng chưa chắc có người thuê.

“Vốn dĩ, ngày trước việc kiếm được những vị trí đất vàng này để mở cửa hàng kinh doanh không phải là chuyện dễ dàng, thậm chí các tiểu thương còn phải tranh chỗ với nhau thì hiện nay nhiều người lại phải tháo chạy khỏi những mặt bằng cho thuê này vì kinh doanh ế ẩm”, anh Thụ nói.

img-9160-min-1710071420.jpg

Mặt bằng đóng cửa lâu ngày trở thành điểm ngồi uống trà đá và đỗ xe máy. (Ảnh: T.A)

Theo anh Trần Bình, môi giới bất động sản tại Hà Nội, thị trường buôn bán online trên các sàn thường mại đang dần chiếm xu thế khiến cho các chủ kinh doanh buộc phải thay đổi mô hình, phương thức bán hàng. Điều này càng khiến các chủ cho thuê nhà lo lắng vì không biết bao giờ tìm được khách thuê.

img-9018-min-1710071397.jpg

Nhiều cửa hàng treo biển thanh lý, trả mặt bằng do kinh doanh buôn bán ế ẩm. (Ảnh: T.A)

Mức giá cho thuê nhà tại các khu vực trung tâm dao động từ 25 – 40 triệu đồng/tháng cho một tầng với diện tích 25 – 30m2, một số nơi dù giảm từ 5 – 10% nhưng vẫn không có khách thuê. Nhiều mặt bằng đã phải treo biển trong nhiều tháng để tìm khách thuê nhưng vẫn không có.

“Nhiều chủ nhà liên tục thúc giục chúng tôi tìm kiếm người thuê, nhưng quả thực nhu cầu mua sắm của người dân vẫn chưa tăng trở lại, nếu thuê mặt bằng tại các tuyến phố trung tâm thì sẽ tốn một khoản lớn để duy trì cửa hàng nên giờ người ta không còn quan trọng việc phải có cửa hàng để kinh doanh trực tiếp như trước”, anh Bình nói.

img-9177-min-1710071434.jpg

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên phố Mai Hắc Đế treo biển cho thuê nhà. (Ảnh: T.A)

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chủ cửa hàng cho biết, đa phần các cửa hàng trên các tuyến đường trung tâm hiện nay là những thương hiệu lớn, họ mở cửa hàng nhằm phục vụ mục đích quảng bá thương hiệu là chính. Đối với những chủ kinh doanh nhỏ lẻ thì chuyển sang tìm thuê nhà trong ngõ nhỏ, hoặc đi xa ra vùng ven để tiết kiệm tối đa chi phí.

img-9168-min-1710071734.jpg

Một số mặt bằng dù chấp nhận giảm 15 - 30% giá thuê nhưng vẫn không tìm được khách thuê (Ảnh: T.A)

Theo các chuyên gia bất động sản, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn nên ngành thương mại bán lẻ hàng hóa bị suy yếu, giá thuê tăng cao dẫn đến mặt bằng tại các khu vực trung tâm thành phố bị bỏ trống nhiều. Tuy nhiên, tốc độ cho thuê mặt bằng cũng có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ 2023, giá thuê cũng tăng lên tương ứng.

img-9171-min-1710071755.jpg

Tình hình kinh doanh buôn bán ế ẩm khiến nhiều tiểu thương buôn bán chuyển hướng kinh doanh online (Ảnh: T.A)

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, trên địa bàn của các thành phố lớn, đặc biệt là các quận trung tâm của Hà Nội hiện vẫn còn nhiều cửa hàng bị đóng cửa lâu ngày, không có khách thuê. Tuy nhiên, với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ giúp tăng tỷ lệ lấp đầy mặt bằng. 

Chuyên này đánh giá, bên cạnh sự phục hồi của phân khúc nhà ở, thì phân khúc bất động sản thương mại cũng đang có sự phục hồi nhất định, tuy nhiên vẫn còn chậm. Trong năm 2024, phân khúc này sẽ có sự tiến triển và sống khỏe hơn so với năm ngoái.

img-9164-min-1710071777.jpg

Hàng loạt các mặt bằng đóng cửa im lìm, không diễn ra hoạt động kinh doanh, buôn bán. (Ảnh: T.A)

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, nhà phố nên tập trung mục đích thương mại nhiều hơn, hướng đến việc phục vụ các hoạt động du lịch. Các chủ cửa hàng cũng cần nghiên cứu thị trường để có những thay đổi phù hợp, thích ứng công nghệ trong phương thức bán hàng, cân đối lại giá cả sao cho phù hợp hơn nữa để thu hút được khách hàng.