Nhiều lý do khiến hộ kinh doanh khó tiếp cận vốn vay

Dù lãi suất cho vay giảm nhưng việc thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp là rào cản khiến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Thời gian gần đây, lãi suất vay đã có xu hướng giảm nhờ vào sự quản lý chính sách tiền tệ của Nhà nước và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vẫn còn rất khó khăn đối với hộ kinh doanh nhỏ và vừa. 

Vietcombank đã dành tới 20% danh mục cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả tiểu thương. Để tiếp cận được nguồn vốn này thì tiểu thương phải đối mặt với nhiều yêu cầu và điều kiện khe, nhất là tài sản thế chấp.

Để tiếp cận được nguồn vốn vay của Vietcombank, tiểu thương phải đối mặt với nhiều yêu cầu khắt khe

Một ngân hàng khác là VPBank cũng đã xây dựng hệ thống, nguồn lực để đẩy mạnh cho tiểu thương vay tín chấp. Tuy nhiên, việc phát triển quy mô không được như kỳ vọng bởi các vấn đề liên quan đến rủi ro tín dụng, chất lượng danh mục chưa thể quản lý một cách tối ưu và hiệu quả. 

Bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính như FECredit, SHBFinance, EVNFinance đều có các nhóm sản phẩm cho vay tiểu thương tín chấp, điều kiện vay vốn yêu cầu thủ tục khá đơn giản và không đòi hỏi tài sản thế chấp. Song vẫn còn rất nhiều thách thức liên quan đến lãi suất cao và chất lượng danh mục. 

TS. Hoàng Văn Ninh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, thực tế chỉ khoảng 30% tiểu thương có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng và các tổ chức tài chính chính thức. Con số này phản ánh những khó khăn và trở ngại trong việc tiếp cận vốn của tiểu thương. 

Theo đó, có 70% tiểu thương gặp khó về yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục phức tạp. Trong đó có nhiều tiểu thương không có tài sản đủ giá trị để thế chấp hoặc không thể đáp ứng đầy đủ các thủ tục giấy tờ phức tạp được yêu cầu. Do đó, hộ phải tìm đến các nguồn vay vốn không chính thức với nhiều rủi ro. Theo thống kê của Bộ Công an, khoảng 30% tiểu thương từng sử dụng tín dụng đen với lãi suất cao. 

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương ngại tiếp cận vốn vay là do những yêu cầu và thủ tục phức tạp từ phía ngân hàng. Cụ thể, có khoảng 60 tiểu thương không đáp ứng được yêu cầu tài sản thế chấp. Ngoài ra, có 80% tiểu thương không có lịch sử tín dụng hoặc tài sản nào đảm bảo đủ vay vốn. 

Ngoài các rào cản về giấy tờ thủ tục thì thiếu kiến thức tài chính cũng khiến tiểu thương khó tiếp cận vốn

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhìn rộng hơn, với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 800.000 doanh nhiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn thì việc đổi mới quy định đối với các loại hình mới tham giam cung ứng dịch vụ tài chính như fintech là một giải pháp phù hợp. 

Chính vì vậy, ông Kiên cho rằng, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung khổ pháp lý riêng biệt cho fintech để cùng với ngân hàng đưa ra các sản phẩm, dịch vu tài chính tới tệp khách hàng một cách thuận tiện và chi phí hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ số. 

Đồng ý kiến, TS. Hoàng Văn Ninh cho biết thêm, hiện có khoảng 50% tiểu thương thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Do đó, cần nâng cao khả năng quản lý và kiến thức tài chính, tổ chức đào tạo và hỗ trợ tiểu thương về kỹ năng quản lý tài chính và kinh doanh. 

Ngoài ra, theo ông Ninh, điều quan trọng hơn là khuyến khích tiểu thương áp dụng công nghệ trong kinh doanh và tăng cường sự hỗ trợ từ các nền tảng fintech. Các tiểu thương có thể hợp tác với công ty fintech để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, từ đó tiểu thương sẽ tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng và tiện lợi. Đồng thời cũng giúp tiểu thương giảm bớt rủi ro từ các hình thức tín dụng đen. 

Nói chung, để các hộ kinh doanh có thể tiếp cận nguồn vốn và phát triển bền vững trong tương lai cần có sự hỗ trợ từ chính sách, tăng cường thông tin và đào tạo, phát triển các hình thức tài trợ thay thế, đẩy mạnh hợp tác đa phương.