Nhiều tỉnh có nguy cơ bị gián đoạn dữ liệu đất đai

Nhiều địa phương cho biết, đã nhận được thông báo của Tập đoàn Viettel về việc sẽ không cung cấp miễn phí vận hành hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) lâu dài. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dữ liệu bị ngắt gián đoạn, ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Tuổi trẻ, mới đây, Tập đoàn Viettel đã thông báo đến UBND tỉnh Tiền Giang, kể ngày 20/6 chỉ cung cấp miễn phí vận hành VDBLIS 3 ngày/tuần. Được biết, tỉnh Tiền Giang sử dụng hệ thống VBDLIS miễn phí từ ngày 15/7/2022 với số lượng giao dịch lớn, khoảng 13.000 hồ sơ/tháng.

Tương tự, tỉnh Long An sử dụng miễn phí dịch vụ vận hành hệ thống dữ liệu đất đai từ 31/7/2022 có lượng giao dịch với khoảng 21.000 hồ sơ/tháng cũng nhận được thông báo từ Viettel về việc hạn chế cung cấp miễn phí dịch vụ.

Ngoài Tiền Giang, Long An, Đăk Lăk cũng có nhiều địa phương như Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh…và nhiều tỉnh, thành phố khác đang rơi vào tình trạng lo lắng bị ngắt dịch vụ vận hành hệ thống dữ liệu đất đai.

Nhiều địa phương đang lo ngại khả năng bị gián đoạn cơ sở dữ liệu khi Viettel cho biết không thể cung cấp dịch vụ miễn phí kéo dài

Được biết, hiện hệ thống thông tin đất đai VBDLIS do Tập đoàn Viettel triển khai, vận hành chính thức miễn phí cho 26 tỉnh thành cả nước thuộc dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG) và 6 tỉnh ngoài dự án.

Theo đó, hệ thống được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hệ thống hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Phản hồi với Viettel, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang đề nghị Tập đoàn tiếp tục cho sử dụng miễn phí đến khi hoàn thành các thủ tục thuê dịch vụ để không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

UBND tỉnh Đăk Lăk, Long An cũng có văn bản đề nghị Viettel tiếp tục hỗ trợ bởi chỉ cung cấp 3 ngày/tuần sẽ khiến việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho doanh nghiệp và người dân sẽ bị ngắt quãng, không thể đúng hạn.

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, tỉnh đã thống nhất chủ trương bố trí kinh phí thuê phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin vận hành cơ sở dữ liệu đất đai từ tháng 9/2023. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, năng lực công nghệ thông tin địa phương còn yếu nên tiến độ còn chậm.

Dữ liệu đất đai bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp

Cũng là một trong những tỉnh vận hành, khai thác hiệu quả thông tin đất đai qua hệ thống VBDLIS, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đang thực hiện thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Còn tỉnh Nghệ An, Thái Bình cũng cho biết cần có thời gian để xem xét, phê duyệt, đưa vào kế hoạch bố trí kinh phí vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng quy trình, quy định hiện hành.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, dữ liệu đất đai rất quan trọng và kinh phí thuê là không hề nhỏ. Do đó, các tỉnh phải sử dụng vốn đầu tư công và thực hiện theo trình tự thủ tục đấu thầu rất chặt chẽ và mất nhiều thời gian chứ không thể thuê chỉ định. Trong khi đó, việc sử dụng dữ liệu đất đai để vừa phục vụ công tác quản lý Nhà nước, vừa cung cấp dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thu được lượng ngân sách lớn.

Vì vậy, các tỉnh cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục để thuê sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công, chứ không thể kéo dài việc sử dụng miễn phí.