Thương tâm chuyện mẹ hại con
Mới đây, tại TP. HCM đã xảy ra vụ việc người mẹ bị trầm cảm sau sinh, mang con 10 tháng tuổi cho người khác. Tới ngày 27/9, gia đình người phụ nữ này mới phát hiện vụ việc, rồi đến Công an phường Tân Thuận Tây (TP. HCM) trình báo.
Gia đình cho biết, người phụ nữ này bị trầm cảm sau sinh nên tâm lý không ổn định. Sau khi đọc được thông tin có cặp vợ chồng hiếm muộn muốn nhận nuôi con, chị đã liên hệ để cho đứa con của mình.
Qua điều tra, Công an phường Tân Thuận Tây xác định, gia đình nhận nuôi cháu bé đang tạm trú ở TP. Phú Quốc nên đã liên hệ với Công an TP. Phú Quốc để rà soát. Sàng lọc các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn, công an nhanh chóng xác định được gia đình nhận nuôi. Cơ quan chức năng đã vận động gia đình bàn giao lại cháu bé cho mẹ ruột.
Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc thương tâm mẹ hại con do bị trầm cảm sau sinh. Như vào tháng 3/2023, chị Vũ Thị L. (trú xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã dìm 2 con là Tạ Thanh Tr. (SN 2018) và Tạ Thanh M. (SN 2021) xuống sông. Trước đó, thấy chị L. có biểu hiện bất thường, chồng đã đưa chị tới Bệnh viện Bạch Mai để khám. được chẩn đoán bệnh “rối loạn thần cấp và nhất thời”.
Bác sĩ đề nghị L. nhập viện để điều trị nhưng chị không đồng ý. Bác sĩ đã kê thuốc cho L. tự uống ở nhà và hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Sau thời gian sử dụng thuốc, bệnh tình L. có thuyên giảm, nhưng L. vẫn không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai.
Ngày 6/3/2023, L. luôn cảm thấy mình không có mục đích sống và có ý định tự tử. Cùng với đó, L. lo sợ sau khi chết không có ai chăm sóc, dạy dỗ 2 con gái khiến các bé hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội. Do đó, L. nảy sinh ý định tự tử cùng với 2 con gái. Và bi kịch đau lòng đã xảy ra.
Trước đó, tối 5/2/2022, người nhà phát hiện chị C. (quê tỉnh Sóc Trăng) và con gái khoảng 7 tháng tuổi tử vong trong nhà trọ ở quận Bình Tân (TP. HCM). Chị C. tử vong trong tư thế treo cổ, còn con gái tử vong trong máy giặt. Chị C. là công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân, còn chồng chị chạy xe ba gác. Trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm.
Cùng ngày 5/2/2022, chị Lê Thị H. (Hà Tĩnh) đã hại chết con trai 2 tháng tuổi và toan tự tử nhưng không thành. Theo kết quả điều tra ban đầu, chị H. bị trầm cảm sau sinh.
Vào tháng 11/2020, một bà mẹ ở tỉnh Lâm Đồng đã dìm chết con trai 9 tháng tuổi do bé quấy khóc. Điều tra cho thấy, chị này bị trầm cảm hơn 2 năm và thường xuyên phải điều trị ở TP.HCM...
Cần được quan tâm và điều trị sớm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trầm cảm là gánh nặng nhất trong tất cả tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến phụ nữ. Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Thanh Thu - Trưởng khoa cấp tính nam, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Đầu tiên phải kể đến là áp lực về kỳ thị giới tính. Khi mang thai, cả người phụ nữ và gia đình đều mong muốn đứa trẻ là con trai nhưng khi sinh ra lại là con gái.
Thứ 2, trong và sau quá trình sinh nở, mối quan hệ của sản phụ với chồng và nhà chồng không được tốt đẹp. Thứ 3, những khó khăn về kinh tế cũng khiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều áp lực, từ đó gây ra những suy nghĩ tiêu cực và mất ngủ triền miên.
Theo bác sĩ Thu, một người chỉ cần mệt mỏi và mất ngủ trong khoảng 2 tuần cũng được xem là có dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm. Biểu hiện của một người trầm cảm là thay đổi tính nết như chán nản, cáu bẳn, hay phàn nàn, lo lắng vô cớ.
Có những bệnh nhân bị hoang tưởng ảo giác như nỗi sợ hãi có người nào đó hại mình, hại con hay hại người thân của mình (hoang tưởng bị hại). Một số bệnh nhân khác lại luôn nghe thấy tiếng nói trong đầu như: “Đứa con này chính là ma quỷ đấy, phải giết nó không nó sẽ hại mọi người” hay “mày phải chết đi chứ sống làm gì”. Đây chính là “ảo thanh xui khiến”. Những người gặp phải “ảo thanh xui khiến” là đã rơi vào trầm cảm nặng.
Một loại trầm cảm nữa là “ảo thị”, tức là luôn nhìn thấy con mình hay những người thân là hổ, báo, ma quỷ… Chính bởi ảo thị đó khiến nhiều bệnh nhân trầm cảm ra tay giết người.
Bác sĩ Thu nhấn mạnh, để ngăn chặn bệnh nhân không có những hành động đáng tiếc thì người thân phải luôn bên cạnh họ 24/24h. Đồng thời, người nhà bắt buộc phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị.
Các chuyên gia y tế khác cũng khuyến cáo, người mẹ cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân, tập thể dục lấy lại vóc dáng, sự tự tin. Không nên giam mình trong bốn bức tường mà cần ra ngoài hít thở không khí, nghe nhạc thư giãn... để giúp tâm trạng ổn định, vui vẻ. Đồng thời cải thiện chế độ ăn uống, bổ sung vitamin, tăng chức năng hệ miễn dịch.
Phụ nữ sau sinh cũng cần được chồng và gia đình quan tâm hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ. Ngoài ra, điều trị trầm cảm sau sinh có thể sử dụng liệu pháp tâm lý, điều trị bằng nội tiết tố, liệu pháp sốc điện hoặc liệu pháp hóa dược. Tùy vào mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị riêng. Điều quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời.