Đề xuất này được đưa ra sau khi Công ty TNHH Hòa Bình có báo cáo về dự án Đường cao tốc trên cọc dự ứng lực tại Hải Phòng và dự án Đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực tại nhà máy Đường Man – KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh).
Đối với dự án Đường cao tốc trên cọc dự ứng lực tại Khu phi thuế quan Xuân Cầu (Lạch Huyện, TP. Hải Phòng), Công ty Hòa Bình cho biết đã thiết kế, thi công hoàn thiện và được kiểm nghiệm, báo cáo kết quả với Bộ GTVT. Tiêu chuẩn Việt Nam cho phép độ lún của đường cao tốc trên cọc là 9,6mm, trong khi đó kết quả thử nghiệm đường cao tốc trên cọc dư ứng lực của Hòa Bình có độ lún chỉ 0,96mm tức là bằng 1/10 tiêu chuẩn cho phép.
Với dự án Đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực tại nhà máy Đường Man – KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), Hòa Bình cũng đã thiết kế, thi công hoàn thiện 100m đường sắt đô thị - đường tàu điện vàng, tốc độ 100km/h. Đường tàu điện vàng này cũng đã được công ty kiểm nghiệm, thẩm định, báo cáo kết quả cho Bộ GTVT. Theo kết quả kiểm nghiệm thử tải đường tàu điện vàng của Hòa Bình với khối lượng thử tải 700% so với tiêu chuẩn (tiêu chuẩn Việt Nam cho phép độ lún 10mm) có độ lún là 4,3mm.
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng đã kiểm tra độ ồn tại nhà ở dưới đường cao tốc trên cọc dự ứng lực. Kết quả kiểm nghiệm độ ồn là 35dB trong khi độ ồn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn là 50dB.
Theo Công ty Hòa Bình, dự án đường cao tốc trên cọc dự ứng lực, đường sắt đô thị - tàu điện vàng trên cọc dự ứng lực có thời gian thi công nhanh nhất; chất lượng tốt nhất; không phải sử dụng đất, cát làm nền đường; lưu thông an toàn nhất; chi phí đầu tư thấp nhất thế giới. Hòa Bình còn nhấn mạnh công nghệ làm đường cao tốc, đường sắt trên cao là giải pháp do người Việt tự thiết kế và thi công, hiện nay chưa quốc gia nào trên thế giới áp dụng công nghệ tiên tiến này. Doanh nghiệp cũng khẳng định 2 dự án trên sẽ làm thay đổi “bộ mặt” giao thông Việt Nam trong tương lai.
Từ đó, Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất xây dựng dự án Đường sắt đô thị - đường tàu điện vàng từ sân bay Đà Nẵng tới TP. Hội An (Quảng Nam) với tổng chiều dài hơn 30km. Dự án này sẽ được triển khai theo hình thức BOT, tiến độ thi công từ 6 – 9 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng (tức là phần đất giải phân cách giữa tuyến đường giao thông hiện hữu). Dự kiến sẽ bán vé cho khách đi tàu với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/người/lượt, thời gian thu phí kéo dài trong 30 năm.
Công ty TNHH Hòa Bình thành lập năm 1993, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát, kinh doanh nhà, bất động sản, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp… Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Nguyễn Hữu Đường hay còn gọi là đại gia Đường “bia”. Vị này được biết tới là người đầu tiên ở Hà Nội thành lập công ty tư nhân sản xuất bia rượu.
Công ty Hòa Bình đã có những dự án bất động sản đáng chú ý như: Tòa tháp đôi Hòa Bình Somerset (tổng mức đầu tư 26 triệu USD); Hòa Bình Green Apartment và Tổ hợp căn hộ dát vàng Hòa Bình Green City.
Về mảng khách sạn, doanh nghiệp này sở hữu tổ hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng với 1.824 phòng khách sạn, căn hộ, được vận hành theo hai thương hiệu là Danang Golden Bay và Citadines. Tại Hà Nội, công ty này có khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (vốn đầu tư hơn 100 triệu USD) và đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2020. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Đường “bia” còn có dự án nghỉ dưỡng tại Hội An với 8 siêu căn hộ dát vàng dưới đáy biển.
Nổi tiếng với những tòa nhà dát vàng nhưng hiện nay Công ty TNHH Hòa Bình đang lâm vào cảnh nợ như “Chúa chổm”. Cách đây khoảng 1 tháng, doanh nghiệp của đại gia này bị Ngân hàng Indovina (IVB) siết nợ gần 500 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, tại doanh nghiệp này, 1 đồng vốn phải “cõng” theo 17 đồng nợ, ngoài ra Hòa Bình cũng bị “điểm mặt gọi tên” vì nợ bảo hiểm 7 tháng.