Nợ xấu "đe dọa" chất lượng tài sản nhóm ngân hàng nhỏ

Mặc dù rủi ro tài sản và khả năng sinh lời toàn ngành nhìn chung vẫn ổn định, nhưng chất lượng tài sản ở các ngân hàng nhỏ đang suy giảm rõ rệt giữa bối cảnh tỷ lệ nợ có vấn đề ở nhóm này có dấu hiệu tăng lên.

Tỷ lệ nợ xấu tăng 

VIS Rating vừa có báo cáo phân tích về ngành ngân hàng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ có vấn đề của ngành vẫn giữ ổn định so với quý trước ở mức 2,2%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng tăng nhẹ lên 1,6% (năm 2023 là 1,5%) nhờ tăng trường tín dụng doanh nghiệp mạnh mẽ hơn và biên lãi ròng (NIM) cao hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ có vấn đề trong hệ thống cũng song hành tăng. Theo báo cáo tài chính bán niên của 28 ngân hàng, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng 5% so với đầu nem lên gần 135.000 tỉ đồng. chiếm 50% nợ sấu. Trong số này, có 24 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm.

Đáng chú ý, trong nhóm ngân hàng quốc doanh, cả Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ nợ có vấn đề của VietinBank và BIDV tăng lên do lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Tỷ lệ nợ có vấn đề tại các ngân hàng nhỏ gia tăng

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản của BIDV tăng từ mức 0,97% từ cuối năm 2023 lên 1,14% tính đến thời điểm cuối quý II/2024. Nguyên nhân đến từ việc các nhóm nợ 3-5 đều tăng lên đáng kể. Đặc biệt là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đã tăng 86%.

Còn tại VietinBank, tính đến cuối quý II/2024, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 1,57%. Ngược lại, một số ngân hàng lớn khác như VPBank hay MB đã giảm nợ có vấn đề bằng cách sử dụng dự phòng để xử lý trái phiếu VAMC, hoặc giảm nợ từ khách hàng lớn.

Chất lượng tài sản suy giảm

Điểm đáng lưu ý nhất của ngành ngân hàng trong 6 tháng qua là một số sô ngân hàng nhỏ đang có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản rõ rệt. Chẳng hạn, NCB, BacABank, Saigonbank, VietBank,…ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề hình thành mới cao hơn các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME.

Trong bối cảnh chất lượng tài sản suy giảm, các ngân hàng nhỏ còn có mức tăng trưởng tiền gửi thấp, phải bù đắp bằng tăng nguồn vốn bằng nguồn vay liên ngân hàng ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng cho vay.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của nhiều ngân hàng đều cho thấy sự suy giảm về tiền gửi khách hàng so với cuối năm 2023 như  VietABank (giảm 0,34%), ABBank (giảm 14,52%) và Saigonbank (giảm 0,17%), PVCombank (giảm 1,44%)…Trong số này, ABBank và VietCapitalBank gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tiền gửi.

Nguyên nhân được VIS Rating nhận định là do cạnh tranh huy động ngày càng gay gắt và phải tăng sử dụng nguồn vay liên ngân hàng ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng cho vay. Trong khi đó, tài sản thanh khoản chiếm 21% tổng tài sản ngành, không thay đổi so với quý trước.

Các ngân hàng nhỏ có dấu hiệu suy giảm tài sản rõ rệt

VIS Rating lưu ý, tài sản thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đã giảm 6% trong 6 tháng đầu năm 2024, trái ngược với mức tăng 5% của ngành. Do đó, đây là nhóm sẽ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro thanh khoản.

Giới chuyên gia nhận định, việc huy động vốn giảm trong thời gian qua đến từ 3 yếu tố lãi suất huy động duy trì mặt bằng thấp; thị trường chứng khoán khởi sắc và thị trường bất động sản dần ấm lên.

Hiện, mức lãi suất huy động kỳ hạn dài của ngân hàng đang dao động từ 5,7% - 6,1%/năm, trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn duy trì mức lãi suất dưới 5%/năm. Điều này khiến dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn, dẫn tới tăng trưởng tiền gửi tại nhiều ngân hàng ngày càng suy giảm.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đang trở lại phần nào đó sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại, đặc biệt vào giai đoạn giữa và cuối năm 2024, khi nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng theo yếu tố mùa vụ.