Đạo luật Khoa học và CHIP được Mỹ thông qua vào năm 2022, nhằm củng cố vị thế của nước này trong lĩnh vực sản xuất chip, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các quốc gia chiến lược. Trong đó, các quốc gia có nền tảng công nghệ và tiềm năng phát triển ngành bán dẫn như Việt Nam đang trở thành đối tác quan trọng.
Với Đạo luật này, Mỹ đặt mục tiêu nâng sản lượng chip trong nước thông qua đầu tư 52,7 tỷ USD. Trong đó, 39 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip và 11 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là một trong những đạo luật quan trọng, vì vậy bất kỳ thay đổi nào của Đạo luật này đều được cho là sẽ có những tác động lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Các nguồn tin cho biết, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét lại các dự án được trao hỗ trợ theo đạo luật này để sản xuất chip. Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch đàm phán lại một số thỏa thuận với các công ty sau khi đánh giá lại các điều khoản ràng buộc. Không rõ, đã có hành động thay đổi nào đã được thực hiện hay chưa.
Người phát ngôn Leah Peng của công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ ba thế giới GlobalWafers cho biết trong một tuyên bố: “Văn phòng Chương trình CHIPS đã thông báo với chúng tôi rằng một số điều kiện không phù hợp với các sắc lệnh hành pháp và chính sách của Tổng thống Donald Trump, hiện đang được xem xét lại đối với tất cả các Thỏa thuận Tài trợ Trực tiếp từ Đạo luật CHIPS”.
GlobalWafers cho biết họ chưa được Washington thông báo trực tiếp về bất kỳ thay đổi nào đối với các điều kiện hoặc điều khoản của chương trình. Theo thỏa thuận trước đó, họ sẽ nhận được 406 triệu USD tiền tài trợ của chính phủ Mỹ cho các dự án ở Texas và Missouri. Hiện tại, công ty sẽ chỉ nhận được trợ cấp sau khi đạt được các mốc cụ thể vào cuối năm 2025.
Mỗi doanh nghiệp nhận được phần hỗ trợ của chính phủ Mỹ theo đạo luật CHIPS đều có các điều khoản và mốc quan trọng riêng biệt buộc phải tuân thủ trong thỏa thuận. Các nguồn tin khác cũng cho biết, Nhà Trắng lo ngại về nhiều điều khoản hỗ trợ cho khoản trợ cấp trị giá 39 tỷ USD của Đạo luật Khoa học và CHIPS không còn phù hợp nữa. Những điều khoản này được chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden thêm vào hợp đồng như yêu cầu các công ty được hỗ trợ phải sử dụng lao động có công đoàn để xây dựng nhà máy và giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng cho công nhân nhà máy.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ - một nhóm thương mại đại diện cho ngành công nghiệp chip, đã bắt đầu hỏi các thành viên về cách cải thiện chương trình. David Isaacs, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Hiệp hội, cho biết: "Điều quan trọng là các chương trình khuyến khích sản xuất và nghiên cứu đều được tiến hành mà không bị gián đoạn, và chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bộ trưởng Thương mại được đề cử Howard Lutnick cũng như các thành viên khác trong chính quyền Trump để hợp lý hóa các yêu cầu của chương trình và đạt được mục tiêu chung là tăng cường vị thế dẫn đầu của nước Mỹ trong công nghệ chip".
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp nhằm phá bỏ các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập trên khắp chính quyền liên bang và khu vực tư nhân.
Một trong những nguồn tin cho biết Nhà Trắng cũng thất vọng vì các công ty chấp nhận trợ cấp theo Đạo luật CHIPS rồi sau đó công bố các kế hoạch mở rộng đáng kể ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Luật này cho phép một số khoản đầu tư vào Trung Quốc.
Vào tháng 10 năm ngoái, Intel đã công bố khoản đầu tư 300 triệu USD vào một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm tại Trung Quốc, sau khi tuyên bố vào tháng 3 rằng họ đã giành được giải thưởng lớn theo Đạo luật CHIPS.
Nhiều bên nhận được khoản tài trợ lớn nhất của Đạo luật CHIPS - bao gồm Intel, TSMC, Samsung và SK Hynix,… đều có cơ sở sản xuất lớn tại Trung Quốc.
Intel tiết lộ họ đã nhận được hai khoản thanh toán tổng cộng 2,2 tỷ USD từ Đạo luật CHIPS, nhưng từ chối bình luận.
Người phát ngôn của TSMC cho biết công ty đã nhận được 1,5 tỷ USD tiền hỗ trợ theo Đạo luật CHIPS trước khi chính quyền mới nhậm chức. Người phát ngôn TSMC từ chối bình luận về bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra đối với thỏa thuận của công ty dưới thời Trump nhưng cho biết công ty vẫn tiếp tục hợp tác với Văn phòng Chương trình Chips.
Các công ty bán dẫn khác hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan tới những thay đổi có thể xảy ra sắp tới.