Trong thời gian qua, nhiều người không còn xa lạ với rất nhiều cuộc gọi mời chào tham dự hội thảo để nhận voucher nghỉ dưỡng miễn phí của các công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch. Sau đó, sẽ tiến hành tư vấn và “chốt đơn”.
Muôn kiểu mời chào
Chia sẻ “kinh nghiệm” một lần đi tư vấn, chị Quỳnh Oanh (Hà Nội) cho biết, hồi năm 2022, chị có nhận được cuộc điện thoại cho biết mình được tặng 2 phiếu quà tặng (voucher) du lịch miễn phí tại khu nghỉ dưỡng 5 sao do Wyndham quản lý và hẹn chị đến sự kiện để trao voucher. Nếu không có phương tiện đi lại, ban tổ chức sẽ hỗ trợ gọi taxi cũng miễn phí để đưa chị tới sự kiện.
Theo lịch hẹn, chị Oanh có mặt tại sự kiện, sau khi đăng ký khách mời, một nhân viên tư vấn mời chị ra khu vực riêng rồi giới thiệu, chào bán các gói dịch vụ đặt phòng được quảng cáo là đẳng cấp 4-5 sao nhưng có giá rẻ hơn đến 50%.
Thời hạn của những thẻ du lịch này khá dài lên đến hơn 10 năm, mỗi năm sẽ kích hoạt cho chủ thẻ đi chơi 8 ngày 7 đêm. Có thể tặng/bán lại cho bạn bè người thân, thậm chí cho thuê nếu không sử dụng hết. Địa điểm du lịch là dự án home resort của chính công ty tại Phú Quốc và 45 khu resort mà công ty liên kết trên khắp cả nước. Giá chào bán gói sản phẩm này khoảng 100 – 200 triệu đồng tùy thời hạn.
“Bạn nhân viên tư vấn dành ra khoảng 2 tiếng để giới thiệu, chào mời sản phẩm. Sau đó, 1 người được giới thiệu là quản lý đi vào để “chốt đơn”. Khi mình bày tỏ việc không có quá nhiều tiền như vậy để chi trả thì bạn quản lý có đưa ra phương án trả thành từng đợt, cuối cùng mình vẫn quyết định không mua vì không thể cân đối được tài chính trong giai đoạn đó. Tuy nhiên cũng có lúc mình cảm thấy dao động bởi lời mời chào của các bạn ấy rất hấp dẫn, khi đi về rồi mình cũng vẫn tiếc nuối”, chị Oanh cho biết.
Khi ra về, chị Oanh vẫn được đơn vị tổ chức gửi tặng 2 voucher như đã nói trước đó, nhưng khi có ý định sử dụng, gọi đến hotline để đăng ký thì được nói là khu đó vẫn đang xây dựng, khoảng 2 năm nữa mới đi vào vận hành.
Tương tự như chị Oanh, bác Nguyễn Văn Ái (60 tuổi, Hà Nội) cho biết, cũng được mời đến dự sự kiện và giới thiệu gói nghỉ dưỡng với những condotel “sang-xịn-mịn”, hưởng trọn vẹn dịch vụ tại các khu resort của những nhà phát triển, quản lý nổi tiếng như Sun Group, Vingroup, Wyndham..
Trước lời mời hấp dẫn của nhân viên tư vấn, thấy cũng có lợi ích khi vừa được đi nghỉ dưỡng 5 sao với giá rẻ vừa có thể dùng chiếc thẻ đó làm quà nghỉ dưỡng cho người thân, bạn bè, bác Ái đã “chốt đơn” 1 chiếc thẻ 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi sở hữu chiếc thẻ “quyền lực” từ đầu năm 2023 đến nay, bác mới đi được 1 chuyến du lịch nhưng thủ tục để đặt phòng nhiều thứ rắc rối. Khi đến nơi, hạng phòng cũng “không như là quảng cáo” và không phải resort nào họ cũng nhận khách thẻ này.
Nếu có tranh chấp, người mua sẽ chịu nhiều thiệt thòi
Trong những năm gần đây, thị trường du lịch xuất hiện nhiều doanh nghiệp cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng. Nhiều tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế như Hilton, Sheraton hay Marriot đã áp dụng thành công việc bán sở hữu kỳ nghỉ.
Ngoài giúp tăng hiệu quả kinh doanh, mô hình sở hữu kỳ nghỉ còn giúp chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng huy động được hàng nghìn tỉ đồng từ các khách hàng để củng cố tiềm lực kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ là những hệ lụy và rủi ro.
Theo luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội), mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ này đang bị biến tướng tại Việt Nam, mang tính chộp giật, “lùa gà”. Trong khi đây là một giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và đơn vị phát hành , nếu có vấn đề về tranh chấp, người mua sẽ chịu thiệt thòi, thậm chí “mất trắng” số tiền đã bỏ ra.
Cụ thể, khách hàng khi tham gia vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch sẽ phải đối diện với những rủi ro như kiểm soát hợp đồng khó khăn; hợp đồng dài hạn với chi phí lớn nhưng chưa rõ khả năng, hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai; dự án chưa hoàn thiện; khó khăn trong chuyển nhượng.
“Người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng và tìm hiểu thông tin chi tiết trước khi quyết định tham gia mô hình này để tránh những thiệt hài tài chính, rủi ro không mong muốn”, luật sư Hoàng Lê khuyến nghị.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có thông báo về việc, trong thời gian cao điểm của mùa du lịch hè, nhu cầu tìm hiểu và tham gia các dịch vụ du lịch tăng cao, nhiều doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại nhằm kích cầu du lịch, trong đó có gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm.
Theo đó, Bộ Công thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng cũng là vấn đề cần lưu ý.
Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu không minh bạch hoặc có vấn đề, người tiêu dùng nên kịp thời phản ánh và tố giác đến cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kỳ nghỉ du lịch. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.