Sắp rằm tháng 7, các cửa hàng bán đồ vàng mã vẫn ế ẩm

Chủ một cửa hàng khác ở Hàng Mã chia sẻ, bà bán đồ vàng mã đã nhiều năm trên con phố này nhưng chưa năm nào bà thấy ít khách như hiện nay. Giờ các cửa hàng chủ yếu chuyển sang bán đồ trang trí, bán đồ Trung thu, những phụ kiện nho nhỏ, còn bán vàng mã chỉ là phụ.

Theo quan niệm dân gian, rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, cũng trùng với lễ Vu Lan báo hiếu. Vào dịp này, người Việt thường mua đồ vàng mã về hóa cho ông bà, tổ tiên, những người đã khuất để tưởng nhớ, tri ân. Đây là thời điểm thị trường vàng mã nhộn nhịp nhất năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc đốt vàng mã được kêu gọi hạn chế nên thị trường buôn bán đồ cõi âm cũng vì thế mà có phần ảm đạm.

Sắp rằm tháng 7, nhưng các cửa hàng bán vàng mã vẫn vắng khách

Năm nay cũng không ngoại lệ, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là rằm tháng 7, nhưng các cửa hàng bán đồ vàng mã tại Hàng Mã, Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn ế ẩm, thưa thớt người mua. Số cửa hàng bán vàng mã trên phố Hàng Mã ngày một ít đi.

Những cửa hàng còn sót lại này cũng chỉ coi vàng mã như một mặt hàng bán phụ. Chủ một cửa hàng bán hàng mã cho biết, chị không dám nhập nhiều hàng vì những năm gần đây số lượng khách mua giảm nhiều.

Nhiều cửa hàng chỉ coi vàng mã như một mặt hàng bán phụ

Còn chủ một cửa hàng khác ở Hàng Mã chia sẻ, bà bán đồ vàng mã đã nhiều năm trên con phố này nhưng chưa năm nào bà thấy ít khách như hiện nay. Giờ các cửa hàng chủ yếu chuyển sang bán đồ trang trí, bán đồ Trung thu, những phụ kiện nho nhỏ, còn bán vàng mã chỉ là phụ. Bởi số lượng bán được rất ít, không bõ công vận chuyển, nhập hàng.

Chị Nguyễn Thị Hoài - chủ cửa hàng vàng mã trên phố Hàng Lược cho biết, năm nay, các mẫu mã đa dạng hơn nhưng việc buôn bán vẫn ế ẩm. Mấy năm trước dịch Covid-19, tầm này đã đông khách mua lắm, nhưng lác đác vài người mua. Chị Hoài thở dài chia sẻ, không biết đến ngày rằm thì có đông khách mua hơn không, nếu vẫn vắng như hiện nay thì sẽ lỗ vốn mất.

Tuy cửa hàng sụt giảm, tiểu thương nhập hàng ít đi nhưng các sản phẩm vẫn vô cùng đa dạng, từ những món đồ thường mua như quần áo, mũ nón, tiền vàng, ngựa... đến các mặt hàng xịn xò như laptop, điện thoại, ô tô, nhà lầu...

Giá cả các mặt hàng vàng mã không khác nhiều so với năm ngoái

Theo các chủ cửa hàng, giá nhiều loại mặt hàng vàng mã vẫn giống năm ngoái, không có nhiều thay đổi. Ví dụ như, một bộ quần áo kiểu dáng mới, cao cấp có giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/bộ người lớn, 100.000 - 120.000 đồng/bộ trẻ em. Các mặt hàng đồ gia dụng như bát đũa, ấm chén có giá khoảng 150.000 đồng/bộ. Túi xách hãng hiệu nổi tiếng dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/túi.

Giày dép thường được đóng cùng với các bộ quần áo, tuy nhiên nếu khách hàng muốn thì vẫn có loại làm riêng với giá dao động 40.000 -50.000 đồng/đôi. Các loại xe máy, ô tô, biệt thự... mức giá khoảng 150.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Tiền vàng mã có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/10 đinh.

Hàng quán vắng khách mua đồ vàng mã

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, nhiều tiểu thương cho hay, ngoài những ảnh hưởng như dịch bệnh kéo dài, kinh tế không tăng trưởng như mong muốn khiến người dân thắt chặt chi tiêu thì còn bởi việc đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, kêu gọi phải hạn chế nên thị trường vàng mã giảm nhiệt.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã thay đổi xu hướng, hạn chế mua nhiều vàng mã, mà chỉ mua những món đồ âm phủ cần và đủ, không quá bày vẽ, phô trương trong hoạt động tâm linh dịp Rằm tháng 7. Việc làm này ngoài để tiết kiệm chi tiêu, còn giúp bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội Trương Minh Tiến, rằm tháng Bảy là dịp lễ lớn trong năm. Nhưng tấm lòng, sự thành tâm mới là điều quan trọng nên gia đình chỉ đốt một ít vàng mã vào ngày rằm là phù hợp với quan niệm Phật giáo lại mang tính tiết kiệm chi tiêu.