Livestream bán hàng doanh thu tiền tỷ: Nhiều người vẫn chưa nắm được nghĩa vụ thuế

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nhiều cá nhân bán hàng qua hình thức livestream có doanh thu lớn, thậm chí có phiên lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân chưa nắm được nghĩa vụ thuế của mình, dẫn đến không kê khai, nộp thuế kịp thời.

Chia sẻ với Đô Thị Mới, chị Mai Anh, chủ một cửa hàng thời trang cho biết, bán hàng theo lối truyền thống ít khách, chị chuyển sang bán livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Shopee doanh thu của chị đã tăng thêm 20%.

Nhiều người không kê khai nộp thuế

Trường hợp của chị Mai Anh không phải là cá biệt, trong khoảng 2 năm gần đây, trên các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn, hoạt động livestream bán hàng trở nên nở rộ. Doanh thu sau mỗi buổi livestream, người bán hàng có thể thu vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Người livestream có thể là các cá nhân tự bán hàng cho chính mình hoặc những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Hiện, có 2 hình thức kinh doanh phổ biến thông qua livestream trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Đầu tiên là hình thức trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua nền tảng; thứ 2 là hình thức tiếp thị liên kết (affiliate marketing) giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng và hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp khi phát sinh đơn hàng…

Và theo quy định, cả 2 hình thức này, người bán đều phải đăng ký, kê khai và nộp các loại thuế theo quy định, thông thường là liên quan thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.

ban-hang-livestream-1721891504.jpg
Tất cả hình thức kinh doanh trên nền tảng online đều phải kê khai, nộp thuế

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), hiện các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki…đã kết nối với cơ quan thuế, việc quản lý thuế đối với hoạt động của các sàn đã tốt hơn nhưng trên các mạng xã hội hay livetream vẫn còn bị thất thu thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam thừa nhận, nhiều cá nhân có doanh thu bán hàng thông qua livestream có doanh thu rất lớn, đã xuất hiện những phiên đạt doanh thu đến trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân kinh doanh online, trong đó có livestream bán hàng chưa nắm được nghĩa vụ thuế của mình, dẫn đến việc không đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Cụ thể, bà Cúc cho biết, người livestream bán hàng thuê cho các nhãn hàng đã đăng ký nộp thuế theo hộ cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế với mức 7%/hoa hồng được hưởng, trong đó 5% thuế VAT và 2% là thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thù lao, hoa hồng môi giới với biểu thuế lũy tiến từng phần là từ 5%, cao nhất 35%, nhãn hàng sẽ tạm khấu trừ 10% trên hoa hồng và cá nhân sẽ có trách nhiệm quyết toán với cơ quan thuế khi kết thúc năm.

Sẽ bị phạt nặng  

Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các cá nhân có thu nhập từ livestream bán hàng. Đồng thời, thu thập, đối chiếu dữ liệu doanh thu chi trả của các tổ chức cho các cá nhân thực hiện quảng cáo, bán sản phẩm hàng hóa trên livestream.

Theo luật sư Nguyễn Đình Hiệp - Công ty Luật TNHH HoangAnh IBC, người bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Tiktok, hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh, bởi phát sinh doanh thu là phải nộp thuế. Nếu chưa đăng ký thuế thường phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm.

Trong đó, hai lỗi đầu tiên tầm 15 triệu đồng, còn đối với trường hợp chậm nộp thuế sẽ tính phạt chậm nộp ở mức 0,03%/ngày. Nhiều người thậm chí bị phạt và truy thu thuế với con số khá lớn.

Điển hình, mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã yêu cầu 7 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử gồm 1 người bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội, 2 cá nhân kinh doanh dịch vụ thần số học và 4 cá nhân có sức ảnh hưởng giải trình thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng.

livestream-1721891578.jpg
Không kê khai, nộp thuế người bán hàng có thể bị xử lý hình sự

Theo đó, có 1 cá nhân đã nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công năm 2022, với tổng số thuế truy thu và tiền chậm nộp là 2,2 tỉ đồng. Đồng thời, kê khai thu nhập của cá nhân này đến từ các kênh mạng xã hội với tổng số thuế truy thu và tiền chậm nộp 36,5 triệu đồng.

Cũng theo bà Cúc, các cá nhân kinh doanh cần chủ động đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nghiêm túc, nếu trốn thuế 100 triệu đồng trở lên sẽ vướng vào lao lý. Những hộ kinh doanh lớn nên chuyển đổi lên doanh nghiệp để đăng ký kê khai và nộp thuế thuận lợi hơn.

Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của người bán hàng trên sàn gồm mã số thuế, số điện thoại, hàng hóa, doanh thu...

Trước đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế...