Đánh bạn dã man rồi bắt quỳ xin lỗi
Ngày 19/2, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã triệu tập 3 đối tượng liên quan vụ nữ sinh 17 tuổi bị đánh hội đồng tại khu vực hồ điều hoà Yên Sở. Theo thông tin ban đầu, 3 đối tượng này tuổi đời đều còn rất trẻ.
Cụ thể, tối 18/2, mạng xã hội lan truyền clip một thiếu nữ sinh năm 2008 bị nhóm nam, nữ đánh hội đồng tại khu vực hồ Yên Sở. Nội dung từ clip cho thấy nạn nhân bị đá bằng chân, giật tóc và bị đánh bằng mũ bảo hiểm. Chưa dừng lại, nữ sinh còn bị ép phải quỳ xin lỗi.
Trao đổi với báo chí, mẹ nạn nhân cho biết, nhóm thanh thiếu niên này đánh con chị ở 3 địa điểm khác nhau, mỗi địa điểm đều gọi thêm nhiều người đến. Không chỉ đánh đập, các đối tượng mà còn bắt con chị quỳ gối xin lỗi. Con chị không thể chạy, không thể cầu cứu vì khu vực vắng vẻ, còn nhóm đối phương lại quá đông.
Thời gian gần đây, bạo lực học đường ngày càng trở nên đáng lo ngại với sự gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng, không chỉ trong phạm vi nhà trường mà còn lan rộng ra ngoài xã hội. Bạo lực không chỉ dừng lại ở hành vi "động chân, động tay" mà còn bao gồm cả bạo lực tinh thần, sự xúc phạm nhân phẩm.
Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh nam mà còn xuất hiện ở học sinh nữ. Không ít vụ việc đã để lại hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần cho học sinh và gia đình, để lại những nỗi đau lâu dài.
Trước vụ việc trên, ngày 27/9/2024, mạng xã hội lan truyền clip về việc một nữ sinh bị 3 nữ sinh khác liên tục đánh vào mặt, đạp vào người, thậm chí có còn dùng cây đánh vào đầu, mặt của nạn nhân...
Trong các đoạn clip này, nữ sinh bị đánh đã lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn không ngừng bị tấn công. Một cô gái còn dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu nữ sinh, hai người còn lại đè nạn nhân xuống đường dùng chân đạp vào đầu. Qua xác minh, sự việc xảy ra vào tối 30/8/2024 ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP. HCM). Nạn nhân trong clip là nữ sinh N.N.B.H (thời điểm đó đang học lớp 10). Cơ quan chức năng xác định nhóm hành hung N.N.B.H gồm 3 người và 1 người quay clip. 2 trong số các đối tượng tham gia vụ ẩu đả là học sinh của 2 trường THPT Tân Thông Hội và THPT Quang Trung (cùng địa bàn huyện Củ Chi).
Trước đó, tại Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), một nam sinh lớp 8 của trường đã bị một nhóm bạn dùng mũ bảo hiểm, chổi, ghế… đánh dã man. Bị bạn hành hung, nam sinh ngồi co ro trên ghế sát tường của lớp, ôm đầu chịu trận trước tiếng reo hò, cổ vũ của các học sinh khác.
Đáng nói hơn, một học sinh còn nhảy lên, dùng 2 chân đạp thẳng vào đầu nam sinh này, rồi liên tiếp đánh vào đầu, cổ... Một học sinh khác dùng ghế gỗ ném vào người nam sinh.
Hay ở tỉnh Sóc Trăng, một nữ sinh Trường THCS Châu Văn Đơ bị bạn túm tóc, đánh liên tiếp ngay tại lớp học. Còn tại tỉnh Phú Thọ, công an cũng phải vào cuộc điều tra vụ việc 2 nữ sinh Trường THPT Mỹ Văn (huyện Tam Nông) đánh nhau do mâu thuẫn chuyện yêu đương… trước sự chứng kiến của nhiều học sinh.
3 nhóm yếu tố chính dẫn đến bạo lực
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi trên Báo Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học nhận định, vụ đánh hội đồng nữ sinh 17 tuổi là một sự việc nghiêm trọng, phản ánh sự gia tăng bạo lực trong giới trẻ.
Hành động đánh hội đồng và buộc nạn nhân quỳ xin lỗi không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của người bị hại, mà còn là biểu hiện của sự suy giảm ý thức pháp luật và đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên.
Từ góc độ pháp lý, Thượng tá Hiếu đánh giá, vụ việc có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Làm nhục người khác”. Những hành vi như vậy không thể xem nhẹ vì nó không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn để lại hậu quả tâm lý lâu dài cho nạn nhân. Nếu không được xử lý nghiêm túc, sự việc có thể tạo ra tiền lệ xấu và khiến tình trạng bạo lực học đường tiếp tục gia tăng.
Về nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực, Thượng tá Đào Trung Hiếu chỉ ra ba nhóm yếu tố chính. Đầu tiên là yếu tố "cá nhân". Một số thanh thiếu niên có xu hướng bạo lực do tính cách hung hăng, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, hoặc do ảnh hưởng từ môi trường sống. Nếu động cơ xuất phát từ ghen tuông, đây là hệ quả của nhận thức lệch lạc về tình yêu, sự sở hữu và cái tôi cá nhân.
Yếu tố thứ hai là "ảnh hưởng từ gia đình". Trẻ em lớn lên trong môi trường thiếu sự giáo dục đạo đức, thiếu sự quan tâm hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực, sẽ dễ dàng có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn.
Cuối cùng là "tác động từ xã hội và mạng xã hội". Hiện nay, nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các nội dung độc hại trên mạng xã hội, các trào lưu kích động bạo lực hoặc hình mẫu tiêu cực từ phim ảnh và trò chơi. Sự lan truyền của các video đánh hội đồng trên mạng có thể khiến hiện tượng này gia tăng, khi một số người trẻ muốn thể hiện bản thân và "nổi tiếng" qua việc quay lại những hành vi bạo lực.
Ông Hiếu cho rằng, gia đình, nhà trường và xã hội đều phải cùng chung tay trách nhiệm trong việc ngăn ngừa và giải quyết tình trạng bạo lực học đường. Với gia đình, cha mẹ cần giáo dục con em mình cách kiểm soát cảm xúc, biết tôn trọng người khác và giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh. Đồng thời, cha mẹ cũng cần quan tâm, theo dõi hành vi và tư tưởng của con cái, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức các buổi tuyên truyền về hậu quả pháp lý của bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải xây dựng cơ chế phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi có xung đột xảy ra giữa học sinh.
Cuối cùng, ông cho rằng cộng đồng cần lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực học đường và triển khai các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho cả nạn nhân lẫn người gây ra bạo lực, giúp họ điều chỉnh hành vi và phục hồi.