Triển khai thiết bị chống bỏ quên học sinh: Loay hoay vì thiếu quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể

Hiệu trưởng một trường dân lập liên cấp ở Hà Nội cũng cho hay, nhà trường có hơn chục xe đưa đón học sinh và hiện đều đã lắp thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu các cơ quan chuyên môn ban hành quy chuẩn mới và thiết bị đã lắp phải thay thế, sẽ gây tốn kém chi phí.

Thiết bị giúp phụ huynh và nhà trường yên tâm hơn

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các phương tiện ô tô kinh doanh vận chuyển trẻ em mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm bao phủ toàn bộ thân xe. Mặt trước và hai bên cạnh xe phía trên cửa sổ phải có biển báo nhận diện xe chuyên dụng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Các xe đưa đón học sinh cũng cần phải trang bị thiết bị chống bỏ quên học sinh trên xe. Đây được xem là một quy định cần thiết để giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn những vụ việc thương tâm liên quan đến việc bỏ quên trẻ trên xe, như đã xảy ra trong thời gian qua. Hiện tại, quy định này đang được các trường học và các đơn vị vận tải tích cực triển khai.

xe-dua-don-hoc-sinh-1738928741.jpeg
Các phương tiện ô tô kinh doanh vận chuyển trẻ em mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm bao phủ toàn bộ thân xe từ ngày 1/1/2025

Khi tài xế dừng xe tại điểm đón trả học sinh và tắt máy, một tiếng chuông inh ỏi sẽ vang lên. Để chuông ngừng kêu, tài xế phải bấm nút tắt nằm ở cuối xe. Điều này buộc tài xế phải đi một vòng từ đầu xuống cuối xe để kiểm tra xem có học sinh nào còn sót lại trên xe hay không.

Trường Tiểu học và THCS FPT cơ sở Cầu Giấy có hơn 1000 học sinh thường xuyên sử dụng xe đưa đón. Tất cả các xe đều được lắp thiết bị chống bỏ quên trẻ em như vậy.

Bà Hà Thị Thu Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, mỗi phụ huynh khi cho con sử dụng xe đưa đón sẽ cài đặt một phần mềm trên điện thoại. Từ đó, phụ huynh có thể theo dõi lịch trình di chuyển của con. Nhà trường cũng giám sát thông qua phần mềm này. Đây là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh, mang lại sự an tâm cho cả phụ huynh và nhà trường.

Ông Khuất Tất Thắng - một tài xế xe đưa đón học sinh chia sẻ, khi về đến bãi xe, ông tắt thiết bị này, đồng thời cũng kiểm tra toàn bộ xe. Điều này giúp ông cảm thấy rất yên tâm.

Đáng chú ý, Nghị định 168 có quy định, người điều khiển xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu xe không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có nhưng không hoạt động hiệu quả khi xe tham gia giao thông, hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm sai lệch dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Cũng bị phạt nếu xe không có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, không có thiết bị cảnh báo chống bỏ quên trẻ em, hoặc xe không sơn màu theo quy định. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện sẽ bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

xe-dua-don-hoc-sinh-1-1738928741.jpg
Hiện tại các trường học và doanh nghiệp vận tải tích cực triển khai lắp thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em (Ảnh: PLO)

Loay hoay lựa chọn thiết bị

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Vietnamnet, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP. HCM cho biết, vận chuyển học sinh là một nhu cầu cần thiết tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Dù chính quyền TP. HCM đã chú trọng công tác này trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn không ít khó khăn.

Mặc dù quy định về màu sơn xe là hợp lý từ góc độ an toàn, nhưng nó lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải. Bởi họ sẽ khó có thể kinh doanh các loại hình vận tải khác để nâng cao năng suất, trong khi năng suất vận chuyển học sinh luôn ở mức thấp.

Vì vậy, ông Tính đề xuất chỉ những xe chuyên chở học sinh mới nên sơn màu riêng biệt, còn các xe kết hợp với loại hình vận chuyển khác có thể sử dụng màu sơn khác. Những xe này khi vận chuyển học sinh vẫn phải gắn biển báo đặc biệt để nhận diện.

Về trang bị thiết bị chống bỏ quên học sinh trên xe, hiện tại luật đã quy định nhưng lại chưa có quy chuẩn chính thức. Điều này khiến các đơn vị gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị phù hợp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã, ông Tính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy chuẩn cho thiết bị cảnh báo bỏ quên học sinh. Đồng thời, trong thời gian chờ đợi, việc kiểm tra và xử phạt liên quan đến điều kiện này nên bắt đầu từ năm học mới (tháng 9/2025).

Hiệu trưởng một trường dân lập liên cấp ở Hà Nội cũng cho hay, Hà Nội có hơn 100 đơn vị vận tải tại thành phố cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, phục vụ hơn 19.000 học sinh mỗi ngày. Riêng trường ông có hơn chục xe đưa đón học sinh. Hiện nhà trường đã lắp thiết bị cảnh báo. Nhưng nếu các cơ quan chuyên môn ban hành quy chuẩn mới trong thời gian tới và thiết bị phải thay thế, sẽ gây tốn kém chi phí.

Mới đây, Sở GTVT TP. HCM cũng đã gửi văn bản đến Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét ban hành hướng dẫn chi tiết về quy chuẩn của thiết bị cảnh báo bỏ quên trẻ em trên xe, căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để các đơn vị liên quan có thể thực hiện đúng quy định.