Thi công đình trệ suốt 4 năm, cây cầu cao nhất cả nước đang chờ nhà thầu "giải cứu"

Để đảm bảo dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành về đích đúng tiến độ vào tháng 9/2025, hầu hết các gói thầu đều được tăng tốc xây dựng. Duy chỉ có gói thầu xây cầu Phước Khánh vẫn chưa định đoạt được “số phận”.

Sau khi được giải quyết một số khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành tiếp tục tăng cường triển khai các gói thầu. Tuy nhiên, gói thầu xây dựng J3 là cầu Phước Khánh vẫn “giậm chân tại chỗ”. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Phối cảnh cầu Phước Khánh
Cầu Phước Khánh nối đôi bờ huyện Cần Giờ (TP. HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) qua sông Lòng Tàu hiện đang đình trệ vì chưa có nhà thầu vào thi công tiếp. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)

Tháng 8/2015, cầu Phước Khánh chính thức khởi công với chiều dài 3,1m, rộng 21,7m, nhịp chính dài 300m. Gói thầu này dự kiến sẽ hoàn thiện trong 42 tháng với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng. (Ảnh: Lê Phan - Tuổi trẻ)

 

Đây được xem là cây cầu cao nhất Việt Nam khi sử dụng 29.000m chiều dài cọc khoan nhồi các loại; hơn 6.000m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5m; trên 38.000m3 đào đắp; 106.000m3 bê tông các loại; 12.000 tấn cốt thép; 322 bộ gối cầu. (Ảnh: Đức Phú - Tuổi trẻ)
Cầu Phước Khánh có độ tĩnh không 55m cho phép những tàu có trọng tải dưới 50.000 tấn di chuyển trên sông Lòng Tàu đến cảng biển ở TP. HCM. Trong khi đó, trụ cầu dây văng có thiết kế chịu lực va đập đối với những tàu có trọng tải tới 20.000 tấn. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Tới tháng 9/2019, công trình này bị tạm ngừng thi công do vướng mắc nguồn vốn. Đến nay sau hơn 8 năm khởi công, cầu Phước Khánh đã đạt 80,7% khối lượng công việc. Phần cầu cạn ở phía TP. HCM và tỉnh Đồng Nai cơ bản đã hoàn thành. Khối lượng chính còn lại gồm: dầm chủ, lan can, bê tông nhựa, bản mặt cầu và hệ cáp văng (từ khối K1), hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Được biết tháng 2/2021, khi di chuyển qua khu vực xây dựng cầu Phước Khánh, tàu container có tải trọng 8.000 tấn đã va đập mạnh vào cẩu tháp được lắp đặt để thi công trụ dây văng của cầu. Cú va đập đã khiến cần cẩu gãy đôi rơi xuống sông, hư hỏng hoàn toàn. May mắn là trụ cầu không bị ảnh hưởng. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Sau 4 năm ngừng thi công, máy móc, vật liệu xây dựng tại gói thầu cầu Phước Khánh ngổn ngang. Theo thông tin từ chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các cấp ngành đang tổ chức đấu thầu lại những gói thầu tạm dừng thi công, thu xếp nguồn vốn cho dự án để triển khai đồng loạt. Dự kiến quý 3/2025 sẽ đưa cao tốc về đích. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Theo tìm hiểu, trước đó gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh do Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Cienco 4 (Việt Nam) thực hiện. Do gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, gói thầu phải tạm dừng xây dựng. Thời điểm cuối tháng 5/2024, công trình này vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại, thậm chí nhiều vị trí còn bị hoang hóa. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Trước đó ngày 20/12/2023, nhằm tìm nhà thầu Nhật Bản tiếp tục thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu gói J3-1 theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Hợp đồng có thời gian 510 ngày, thời điểm mở thầu lúc 2h chiều ngày 20/3, mục tiêu hoàn thành vào quý 3/2025. Tại thời điểm mở thầu, kết quả cho thấy không có bất cứ nhà thầu Nhật Bản nào quan tâm, tham gia đấu thầu. Trong ảnh là đoạn dưới chân cầu, sau nhiều năm mọi thứ vẫn ngổn ngang. (Ảnh: Châu Tuấn - Tuổi trẻ)
Gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh cần tuân thủ các quy định về nhà thầu chính từ Nhật Bản theo thỏa thuận ký kết do dùng vốn ODA của JICA. Trong đó, quy định quốc tịch hợp lệ của nhà thầu chính phải là Nhật Bản. (Ảnh: Châu Tuấn - Tuổi trẻ)
Để tổ chức đấu thầu lại gói thầu cầu Phước Khánh, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục với nhà tài trợ để sửa đổi, nới lỏng điều kiện ràng buộc về nhà thầu theo hướng cho phép các nhà thầu Việt Nam tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu xây lắp chính hoặc liên danh làm các hạng mục xây lắp còn lại. (Ảnh: Châu Tuấn - Tuổi trẻ)
Bộ Tài chính sau đó đã có số công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản trao đổi về chủ trương trên. Vừa qua, ngày 24/4 Bộ GTVT có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản, JICA đề nghị đối tác Nhật Bản hỗ trợ sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh công hàm trao đổi và thỏa thuận vay. (Ảnh: Hữu Chánh - Lao động)
Cầu Phước Khánh hiện cần tới thời gian khoảng 17 tháng để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Do đó việc sớm chọn được nhà thầu tiếp tục triển khai thi công được xem là mục tiêu cấp bách. Bởi lẽ cầu Phước Khánh được xây dựng trở lại thì cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58m mới có thể thông suốt. (Ảnh: Đức Phú - Tuổi trẻ)