Thực trạng hàng giá rẻ: Nguy cơ biến thành rác thải môi trường

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ với hàng triệu sản phẩm giá rẻ, nhưng điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rác thải nhựa. Nhiều sản phẩm, đặc biệt là thời trang giá rẻ, có tuổi thọ ngắn và không thể tái chế, dẫn đến áp lực lớn lên môi trường. Khi thị trường tiếp tục phát triển, việc quản lý chất lượng hàng hóa trở nên cấp thiết để tránh tình trạng "bãi rác" từ hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Hàng giá rẻ dễ bị thải bỏ

Theo báo cáo "Chất thải nhựa bao bì từ Thương mại điện tử tại Việt Nam" của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), năm 2023, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 332.000 tấn bao bì, trong đó có 171.000 tấn là nhựa. Đáng chú ý, phần lớn lượng nhựa này không được tái chế mà thải trực tiếp ra môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nhựa.

Công ty khảo sát thị trường Metric cũng cho biết, thời trang luôn nằm trong top các mặt hàng có doanh thu cao nhất trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sản phẩm thời trang giá rẻ, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng. Những sản phẩm này không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ mà còn đa dạng về mẫu mã, nhưng tuổi thọ ngắn khiến chúng nhanh chóng trở thành rác thải.

Một làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào thị trường nước ta

Báo cáo từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong suốt 7 năm qua, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng từ 16% - 30% mỗi năm. Các chuyên gia của VECOM dự đoán nếu tốc độ tăng trưởng này tiếp tục duy trì ở mức cao, quy mô ngành Thương mại điện tử có thể gấp 4,7 lần vào năm 2030, đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa có thể đạt tới 800.000 tấn/năm.

Việc đóng gói hàng hóa trong thương mại điện tử thường sử dụng hộp các tông, túi giấy, túi ni lông và các vật liệu phụ khác như băng keo nhựa, xốp lót và màng bọc ni lông - tất cả đều chủ yếu làm từ nhựa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, theo cảnh báo từ một chuyên gia của VECOM.

Đặc biệt, phần lớn hoạt động thương mại điện tử tập trung tại các thành phố lớn và ven biển như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng - những khu vực có hệ thống sông ngòi và biển, dễ dẫn đến ô nhiễm lan rộng ra đại dương.

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. HCM nhận định, thời trang giá rẻ là một trong những nguồn thải rác lớn nhất hiện nay. Những sản phẩm này thường kém chất lượng, không bền, dễ bị bỏ đi sau thời gian ngắn sử dụng, gây áp lực lớn lên môi trường và tiềm ẩn rủi ro dị ứng da cho người tiêu dùng. Các sản phẩm thời trang đang trở thành rác thải công nghiệp, phần lớn chúng bị đốt hoặc chôn lấp do chất lượng vải thấp, khả năng tái chế không cao.

Kiểm soát chất lượng để không thành “bãi rác”

Vấn đề rác thải từ hàng giá rẻ càng được quan tâm hơn khi gần đây, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đổ bộ thị trường nước ta. Đặc biệt là sàn Temu.

Liên quan đến sự gia nhập thị trường của các sàn thương mại này, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, đây là một câu chuyện hoàn toàn thuộc về thị trường. Ông An nhận định sự xuất hiện của Temu là một tín hiệu tích cực cho thị trường, vì nó đã tạo ra làn sóng mạnh mẽ từ Trung Quốc và lan tỏa đến Mỹ cũng như một số nước Đông Nam Á.

Temu gia nhập thị trường Việt Nam với nhiều mặt hàng giá rẻ

Theo ông, Temu gia nhập thị trường Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khi họ có thêm sự lựa chọn. Về bản chất, Temu cũng tương tự như các trang thương mại điện tử khác, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vấn đề cần xem xét là liệu Temu có tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam hay không. Chúng ta cần biết họ vào thị trường bằng cách nào, cũng như chất lượng và xuất xứ hàng hóa ra sao? Các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, không để người tiêu dùng rơi vào tình trạng mua phải hàng giả hoặc hàng kém chất lượng. Đặc biệt, cần tránh để thị trường trở thành nơi tràn lan các mặt hàng giá rẻ, nhất là những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam, đã thử nghiệm mua hàng trên Temu và ngạc nhiên trước mức giá cực kỳ rẻ.

Ông Hiển cho biết, ông mua một chiếc nón chỉ với giá 70.000 đồng, trong khi ở nơi khác giá dao động từ 120.000 - 250.000 đồng. Một đôi giày trên Temu có giá 300.000 đồng, thì có thể lên tới 600.000 đồng tại Việt Nam.

Theo ông, nhiều nền tảng khác như Shopee, TikTok, và Shein cũng cung cấp sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng Temu áp dụng chiến lược kích cầu theo kiểu đa cấp, như chiết khấu hoa hồng 30% cho người mời bạn bè mua chung và thêm 150.000 đồng khi giới thiệu người tải ứng dụng.

Với tâm lý "mua càng nhiều, giá càng rẻ", nhiều người đã thành lập các nhóm mua chung trên mạng xã hội để săn hàng giá rẻ. Ông Hiển lo ngại lượng rác thải nhựa từ Temu sẽ gia tăng, thậm chí còn lớn hơn so với các sàn thương mại điện tử khác. Với lượng rác thải tăng từ các sản phẩm giá rẻ, Việt Nam thực sự có nguy cơ trở thành “bãi rác” nếu không có biện pháp kiểm soát.

Một chuyên gia thương mại điện tử cũng thừa nhận, các sản phẩm giá rẻ trên các sàn thường có chất lượng kém, dẫn đến nguy cơ “mua rác” về nhà cao, làm gia tăng lượng rác thải, đặc biệt là các sản phẩm như ốp điện thoại, bình nước, thời trang, giày dép... Những mặt hàng này có thể mất hàng chục đến hàng trăm năm để phân hủy và thường là những sản phẩm bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử.