Năm 1994, Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động trong lĩnh vực dân số và phát triển. Đến năm 2007, nước ta đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số, bước vào thời kỳ dân số vàng. Sau 30 năm triển khai chương trình, tuổi thọ trung bình người Việt tăng, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, thời gian tới, công tác dân số có nhiều khó khăn, thách thức khi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh. Cùng với đó, tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục, chất lượng dân số còn hạn chế.
Đáng lưu ý, tỷ lệ chênh lệch giới tính đang có chiều hướng tăng cao. Kết quả tổng điều tra dân số từ năm 2009 - 2010 ghi nhận tỷ số này bắt đầu vượt mức sinh học bình thường. Tỷ số giới tính ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106 bé trai/100 trẻ em gái. Hiện nay, tỷ số này của nước ta đã ở ngưỡng đáng báo động là 110,5 bé trai/100 bé gái, cá biệt có nơi tỷ lệ này từng lên đến 114 bé trai/100 bé gái.
Như tại Hà Nội, với đặc thù là thành phố đông dân thứ hai của cả nước, mật độ dân cư cao gấp hơn 8 lần mức trung bình cả nước, tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác dân số. Nhất là hiện nay, thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 112 bé trai/100 bé gái. Đồng thời đặt mục tiêu đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên năm 2025.
Theo thống kế của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố ở mức cao với 112,7 bé trai/100 bé gái. Trong đó, 5 quận, huyện ở mức rất cao, trên 120 bé trai/100 bé gái là: Ba Đình, Quốc Oai, Thanh Oai, Hà Đông, Thường Tín.
Ông Trần Văn Chung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều. Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai dẫn đến việc tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao.
Để tạo ra sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.
Ngoài chênh lệch giới tính, một vấn đề khác liên quan đến dân số cũng đáng báo động là tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Theo ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), các nghiên cứu, điều tra trong nước cho thấy tình trạng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, “ngại” sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Các chuyên gia về dân số ước tính, tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm. Cụ thể, tốc độ tăng dân số giai đoạn 2017 - 2020 là 1,07%, năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%. Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết, chúng ta đang triển khai các chính sách kiểm soát mức sinh, điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm. Nước ta cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp.