Nhan nhản dịch vụ xem bói online
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ xem bói online đa dạng hình thức từ bói bài tarot, chỉ tay, xem tướng số đến bói ngày tháng năm sinh... Chỉ cần gõ cụm từ như "xem bói online" hay "xem bài tarot" trên Facebook, TikTok là có thể tìm thấy rất hội nhóm và cá nhân quảng cáo dịch vụ này công khai.
Trong những hội nhóm, rất nhiều bạn trẻ thường xuyên chia sẻ hình ảnh cá nhân, chỉ tay, ngày tháng năm sinh kèm theo những vấn đề cuộc sống cần giải quyết. Mục đích của họ là mong muốn nhận được lời giải đáp cho những câu hỏi như "Tình duyên năm nay thế nào?", "Bao giờ mình sẽ giàu?" hay "Người yêu có phản bội không?"…
Trước nhu cầu lớn, nhiều thầy bói online còn thực hiện các buổi livestream để xem cho những người theo dõi trực tiếp. Chỉ cần để lại thông tin hoặc nhắn tin riêng, người xem sẽ nhận được câu trả lời ngay lập tức. Đối với những dịch vụ có phí, người xem cần chuyển khoản trước thì thầy mới bắt đầu xem.
Trên TikTok, tài khoản có tên “Cô Đồng H.T” quảng cáo dịch vụ "bói quẻ đầu năm" với mức phí "tùy tâm". Nhưng khi liên hệ, người này lại cho biết phí xem tình duyên, gia đạo là 200.000 đồng, còn xem toàn bộ cuộc đời thì phí là 300.000 đồng. Đáng nói, thời gian xem chỉ kéo dài dưới 5 phút.
Một tài khoản khác trên TikTok tên T.M có hàng chục nghìn người theo dõi, thường xuyên livestream xem bói. Để được xem vận mệnh, người theo dõi phải cung cấp ngày tháng năm sinh theo lịch âm. Dựa vào đây, tài khoản T.M sẽ “phán” những chuyện sắp xảy đến từ chuyện công việc, học hành đến gia đình.
Trong khi đó, tài khoản có tên L.D. thì thường xuyên livestream với những con búp bê Kumathong được quảng cáo là "thỉnh từ Thái Lan". Người này tự giới thiệu là "tâm linh Thái Lan" và cho biết sẽ xem bói theo câu hỏi, thay vì tự đưa ra lời giải.
Mức giá cho một phiên xem bói kéo dài 5 - 7 phút tối thiểu là 100.000 đồng. Nếu muốn nhận lời khuyên chi tiết hơn, các dịch vụ như trục vong hay giải hạn có thể tốn từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng nếu yêu cầu cúng kiếng.
Vì tò mò mất ngay vài triệu đồng
Trong một lần lướt mạng, chị Nguyễn Minh Thư (TP. HCM) vô tình tham gia một phiên livestream xem bói bài Tây và quyết định thử vận may bằng cách liên hệ với thầy bói. Sau khi chuyển khoản 100.000 đồng, cung cấp ngày tháng năm sinh và đặt câu hỏi, chị nhận được cuộc gọi từ thầy bói để trải bài.
Kết quả, thầy bói phán chị "có ấn đường rất tối vì bị 2 vong nam theo phá đã ba năm nay. Nếu không hóa giải, sẽ cô đơn, ở giá tới già". Ngẫm nghĩ, chị thấy 2 năm qua quả thực gặp khó khăn trong chuyện tình cảm. Điều này khiến chị lo lắng, vội vã hỏi thầy cách hóa giải. Chị được gợi ý làm lễ cúng trục vong.
Chị Thư bảo, vì thấy phí chỉ có 100.000 đồng nên tò mò xem thử. Kết quả, chị bị dẫn dụ đến chuyện làm lễ trục vong với chi phí 8 - 10 triệu đồng. Phải đến khi chị kể với bạn bè, rồi được cảnh báo về lừa đảo, chị mới chấm dứt liên hệ với thầy bói này.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Bình (Bình Dương) cũng từng bị một thầy bói online phán, năm nay anh sẽ gặp hạn nặng, có thể mất hết tài sản hoặc thậm chí mất mạng. Anh Bình đã gửi 200.000 đồng để xem bói theo hình thức "tùy tâm", nhưng sau đó bị thầy bói lôi kéo vào các lễ giải hạn, mỗi lễ có chi phí 5 triệu đồng.
Anh Bình cho biết, ban đầu chỉ nghĩ gửi chút ít để thử, nhưng sau đó bị yêu cầu làm các lễ cúng kiếng. Sau lễ đầu tiên, anh tìm hiểu và nhận ra đó là hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền. May mắn anh đã dừng lại, không tiếp tục làm theo yêu cầu của thầy bói.
Hành vi lôi kéo chị Trang và anh Bình có thể coi là hành nghề mê tín dị đoan. Từ góc độ pháp lý, người thực hiện sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này được quy định tại Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Nếu người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục hành nghề mê tín dị đoan, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu những người hành nghề mê tín dị đoan biến hoạt động này thành công cụ kiếm tiền, trở thành nguồn thu nhập chính của họ, thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”.
Đặc biệt, nếu hành vi này gây thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Liên quan đến tình trạng này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết, trong dịp Tết 2025, tình trạng xem bói online trên mạng xã hội đã gia tăng mạnh mẽ, với nhiều hội nhóm thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Mê tín dị đoan được hiểu là niềm tin vào những hiện tượng huyền bí, mơ hồ như bói toán, bùa chú, giải hạn... nhằm khiến người ta tin vào các yếu tố siêu nhiên. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý của một bộ phận người dân, đưa ra những lời đe dọa, khiến họ sợ hãi và tìm đến các phương pháp giải hạn, cầu vật chất. Nhiều người đã phải chi tiêu những khoản tiền lớn để giải hạn hoặc cầu xin điều này, điều kia.
Để tránh rơi vào những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác, thận trọng và không mù quáng tin vào những dịch vụ tâm linh trên mạng xã hội. Người dùng nên chỉ lựa chọn những địa chỉ uy tín, tránh xa những hình thức lợi dụng mê tín dị đoan trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, cần phải xác minh rõ danh tính của người cung cấp dịch vụ trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội. Hãy nâng cao cảnh giác và không gửi tiền quyên góp hay ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.