Để kích cầu tiêu dùng, trong các tháng cuối năm, TP. HCM đã lên nhiều chương trình khuyến mại tập trung của TP. HCM được chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 15/6 - 15/9 nhằm kích cầu mua sắm hè. Đợt 2 diễn ra từ ngày 15/11 - 31/12 để trợ lực người dân sắm Tết. Trong cả 2 đợt này, thương nhân tham gia được phép áp dụng giảm giá tối đa lên đến 100%. Giải pháp kích cầu tiêu dùng này rất được các doanh nghiệp hưởng ứng.
Tuy nhiên, nếu chỉ có doanh nghiệp hưởng ứng thì chưa đủ mà cần thực hiện thế nào để người có thu nhập thấp vẫn có thể hưởng lợi từ chương trình khuyến mại tập trung quy mô này mới là điều quan trọng. Trước vấn đề này, mới đây, Sở Công Thương TP. HCM cho biết, từ đầu tháng 8, đơn vị sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Trước mắt, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện và TP. Thủ Đức để đăng ký các điểm bán tại địa phương, chú trọng những khu vực người lao động ở trọ tập trung đông, khu vực có đông công nhân… Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM chia sẻ, đây là điểm mới của chương trình khuyến mại tập trung năm nay.
Năm nay, qua sự vận động của Sở, bán lưu động không chỉ hàng Việt mà còn có sự góp mặt của những thương hiệu lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Qua đó, công nhân, người thu nhập thấp vẫn có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phù hợp tại các xe bán hàng lưu động.
Ông Phương nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, Sở Công Thương TP. HCM sẽ tính toán kiểm soát kỹ lưỡng để người tiêu dùng được hưởng khuyến mại thực chất hiệu quả.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. HCM cho hay, đến chiều 11/7, đã có khoảng 20 điểm bán hàng lưu động được đăng ký tại các quận, huyện. Dự kiến số điểm đăng ký bán hàng lưu động từ hệ thống phân phối, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trung bình mỗi điểm bán hàng kéo dài từ 2 - 3 ngày, chủ yếu là hàng thiết yếu với mức giá tốt nhất có thể.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ sự ủng hộ với các chương trình có mục đích mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp. Ông nói cách triển khai chương trình bán hàng lưu động của Sở Công Thương TP.HCM không mới, nhưng điểm khác biệt ở đây là chương trình kích cầu trong tổng thể một chương trình khuyến mại bán hàng lớn.
Qua đó, giúp người dân thuộc mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn, từ giới trung lưu đến lao động phổ thông, công nhân… có cơ hội mua được nhiều hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá hợp lý, thậm chí giá tốt hơn khi mua ngoài chợ vào ngày thường. Nếu tổ chức đều đặn, chương trình này sẽ giúp kích cầu đáng kể, có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng "nhà nghèo".
Ngoài ra, Sở Công Thương TP. HCM còn cho biết thêm, đơn vị dự báo trước tình hình về việc tăng lương có thể tạo tâm lý nâng giá bán của các nhà bán lẻ, gây tác động dây chuyền nên đã có phương án dự phòng từ rất sớm. Qua nửa tháng sau tăng lương, khảo sát mặt bằng giá cả tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cho thấy, giá nhiều mặt hàng thiết yếu chưa có dấu hiệu "tát nước theo mưa".