TP. HCM: Gia tăng các ca đau mắt đỏ thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, số ca viêm kết mạc dị ứng thường tăng đột ngột. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, nguyên nhân là do không khí chứa nhiều phấn hoa, kết hợp với thời tiết lạnh, ít gió khiến bụi mịn và các tác nhân gây dị ứng lắng đọng nhiều hơn. Điều này làm tăng nguy cơ viêm kết mạc dị ứng, đặc biệt ở những người có cơ địa mẫn cảm.

Liên tiếp các ca nhập viện 

Thời gian gần đây, các bệnh viện tại TP. HCM đã ghi nhận rất nhiều trường hợp đến khám vì viêm kết mạc cấp. Ghi nhận tại khoa Mắt Bệnh viện TP. Thủ Đức, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân đến khám vì viêm kết mạc cấp.

Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh, sau Tết Nguyên đán 2025, vào thời điểm giao mùa với không khí lạnh kéo dài, tỉ lệ mắc cúm và các bệnh lý đường hô hấp gia tăng. Có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm hô hấp như cúm, sởi và xuất hiện các biểu hiện bệnh lý tại mắt. Một số trường hợp bệnh mắt diễn tiến nặng, dẫn đến giảm thị lực.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân đến Bệnh viện TP. Thủ Đức khám đau mắt đỏ (Ảnh: BVCC)

Tại Bệnh viện Mắt TP. HCM, số liệu đầu năm cho thấy có trường hợp viêm kết giác mạc đến thăm khám. Viêm kết mạc hay còn gọi đau mắt đỏ, là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng ở kết mạc, lớp màng trong suốt bao phủ phần trắng của mắt và bên trong mí mắt. Bệnh có thể do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng hoặc các chất kích thích gây ra, và rất dễ lây lan.

Đặc biệt, trong các đợt gió mùa, sự kết hợp giữa độ ẩm tăng cao và nước đọng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm kết mạc.

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy - Bệnh viện TP. Thủ Đức giải thích, viêm kết mạc do virus xảy ra khi virus xâm nhập và phá hủy tế bào, gây ra phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Trong khi đó, viêm kết mạc do vi khuẩn thường xuất hiện khi vi khuẩn thâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ hoặc khi hệ thống bảo vệ của mắt suy yếu, với biểu hiện đặc trưng là ghèn sệt màu xanh hoặc vàng.

Vào thời điểm giao mùa, số ca viêm kết mạc dị ứng thường tăng đột ngột. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, nguyên nhân là do không khí chứa nhiều phấn hoa, kết hợp với thời tiết lạnh, ít gió khiến bụi mịn và các tác nhân gây dị ứng lắng đọng nhiều hơn. Điều này làm tăng nguy cơ viêm kết mạc dị ứng, đặc biệt ở những người có cơ địa mẫn cảm.

Các biện pháp phòng tránh bệnh

Bệnh đau mắt đỏ thường có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, ghèn dính mí mắt khiến việc mở mắt trở nên khó khăn, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm. Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp.

Khi có những triệu chứng trên, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà (từ 5 - 7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Nếu có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và chăm sóc đúng cách (lưu ý: việc nghỉ làm/nghỉ học cần theo chỉ định của bác sĩ).

Khuyến cáo phòng đau mắt đỏ từ cơ quan y tế

Các chuyên gia khuyến cáo, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, không dụi mắt, mũi, miệng bằng tay, không chia sẻ vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

Ngoài ra, cần vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường và sát trùng đồ dùng, vật dụng của người bệnh bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

Người bệnh và người nghi mắc bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Những người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng.

Một vấn đề đáng chú ý là nhiều người có thói quen tự điều trị tại nhà bằng thuốc nhỏ mắt tự mua, đặc biệt là những loại chứa corticosteroid mà không biết rõ về tác hại. Bác sĩ Huy cảnh báo, đã từng có nhiều trường hợp bị biến chứng tăng nhãn áp thứ phát do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có steroid. Mặc dù thuốc này mang lại cảm giác dễ chịu và giảm nhanh các triệu chứng, nhưng nếu sử dụng lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng nhãn áp tăng âm thầm, gây bệnh glaucoma (cườm nước) và nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Về thời gian điều trị, các loại viêm kết mạc có diễn tiến khác nhau. Viêm kết mạc do virus thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày, trong khi viêm kết mạc dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, tùy vào từng cá thể và mức độ tiếp xúc với dị nguyên. Viêm kết mạc do vi khuẩn phụ thuộc vào hiệu quả điều trị với kháng sinh.

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bác sĩ Quang Huy khuyến cáo người dân nên đeo kính bảo hộ khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đặc biệt là các vật dụng như gấu bông, chăn mền, và vệ sinh mắt đúng cách.

Đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần hơn người lớn. Việc tiếp xúc và tạo ra kháng thể là yếu tố quan trọng giúp hệ miễn dịch của trẻ phát triển toàn diện. Bố mẹ cần đặc biệt chú ý và theo dõi khi trẻ có dấu hiệu bất thường ở mắt, không nên chủ quan và tự ý điều trị tại nhà.