Thói quen dùng đồ nhựa hàng ngày khiến ô nhiễm gia tăng

Chị Nguyễn Mai Chi cho biết, có lần mua cháo tại một quán trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP. HCM), chị không khỏi bất ngờ trước cách đóng gói "toàn nhựa". Cháo được đựng trong hai tô nhựa cỡ lớn, nước chấm trong một chén nhựa nhỏ, rau được bỏ vào túi riêng. Quán còn mặc định cho sẵn 5 bát và 5 muỗng nhựa, dù khách có cần hay không.

Rác thải nhựa từ đồ dùng 1 lần

Ô nhiễm nhựa hiện đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất trên toàn cầu trong thập kỷ này. Việt Nam, với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng không phải là ngoại lệ. Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, lượng rác nhựa phát thải tại Việt Nam đang tiếp tục gia tăng.

Hiện nay, rác thải nhựa phần nhiều đến từ những sản phẩm sử dụng 1 lần. Hà Mỹ Hương - một sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội cho biết, cô sử dụng chai thủy tinh để đựng nước. Tuy nhiên, có tới một nửa sinh viên trong lớp của cô thường xuyên dùng các loại hộp nhựa dùng một lần để đựng đồ ăn và thức uống.

nhua-1740139140.jpg
Rác thải nhựa phần nhiều đến từ những sản phẩm sử dụng 1 lần

Các quán ăn xung quanh trường bán đồ uống trong ly nhựa dùng một lần và đồ ăn trong hộp giấy đựng xôi rất phổ biến. Để kịp giờ học, nhiều sinh viên chọn mang đồ ăn, thức uống đựng trong các cốc, hộp dùng một lần. Sau một ngày học, thùng rác trong lớp đầy những rác thải này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến không gian trường lớp mà còn tác động xấu đến môi trường tự nhiên.

Hay khi đặt đồ ăn qua một số ứng dụng, người dùng có thể thấy một nút tùy chọn với thông điệp: "Dụng cụ ăn uống - chỉ yêu cầu khi thật sự cần" hay "Chọn nếu cần. Cùng giảm rác thải nhé!". Điều này có nghĩa, nếu khách hàng không lựa chọn yêu cầu, các dụng cụ như muỗng, đũa, ống hút nhựa sẽ không được kèm theo.

Tuy nhiên, dù khách hàng không chọn vào ô yêu cầu, nhiều quán vẫn gửi kèm muỗng nhựa và đũa dùng một lần. Anh Lê Văn Thức (quận 7, TP. HCM) chia sẻ, nếu anh đặt đồ ăn về nhà trong một tuần, lượng bát, muỗng, đũa dùng một lần có thể gom lại thành một bịch lớn. Vứt đi thì tiếc vì toàn đồ mới, còn để lại thì chiếm không gian mà không có nhu cầu dùng.

Không chỉ qua các ứng dụng, tình trạng này cũng xảy ra khi mua đồ ăn trực tiếp tại các quán. Chị Nguyễn Mai Chi cho biết, có lần mua cháo tại quán trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP. HCM), chị không khỏi bất ngờ trước cách đóng gói "toàn nhựa" của quán này. Cháo được đựng trong hai tô nhựa cỡ lớn, nước chấm trong một chén nhựa nhỏ, rau được bỏ vào túi riêng. Quán còn mặc định cho sẵn 5 chén nhựa và 5 muỗng nhựa trong mỗi bịch, dù khách có cần hay không.

Khi chị thắc mắc sao lại dùng nhiều đồ nhựa như vậy, chủ quán trả lời: "Mấy cái này rẻ òm, có bao nhiêu đâu mà tiếc với khách. Cứ cho đại vậy, họ có xài thì xài, không thì để đó chứ có mất mát gì”. Những quán ăn này thường chuẩn bị sẵn muỗng đũa và cho vào bịch ni lông, chỉ cần bỏ đồ ăn vào là xong.

Cả shipper và chủ quán thường không kiểm tra xem khách có thật sự cần dụng cụ ăn uống hay không và đương nhiên họ cũng không quan tâm đến việc này có gây ra rác thải và ô nhiễm môi trường hay không. Những điều này cũng góp phần làm tăng lượng rác thải nhựa không cần thiết.

nhua-1-1740139140.jpg
Đồ ăn đặt qua app hay mua trực tiếp đều kèm theo bát, thìa nhựa đi kèm

Thúc đẩy tái chế rác thải nhựa

Tại hội thảo "Xu hướng phát triển bao bì xanh, thân thiện với môi trường: Pháp lý và thực tiễn" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thi - giảng viên Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mức tiêu thụ nhựa hiện nay đang tăng nhanh hơn dân số, minh chứng cho việc con người đang sử dụng đồ nhựa quá nhiều.

Ông chia sẻ, mặc dù nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách giảm thiểu nhựa, nhưng tỉ lệ tiêu thụ vẫn không ngừng tăng. Tại Việt Nam, tình hình cũng không khả quan. Năm 1990, Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 0,2 triệu tấn nhựa, nhưng đến năm 2022, con số này đã lên hơn 9 triệu tấn. Dự báo, đến năm 2029, sản lượng nhựa tiêu thụ có thể sẽ tăng gấp đôi.

Về mức tiêu thụ bình quân đầu người, năm 1990 mỗi người Việt Nam sử dụng khoảng 3,8kg nhựa/năm, nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên 81kg. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng những giải pháp mạnh mẽ để giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy tái chế và triển khai kinh tế tuần hoàn để giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh.

Bà Chu Thị Kim Thanh - giám đốc vận hành Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, từ năm 2019, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tiêu dùng đã hợp tác thành lập liên minh và triển khai các chương trình thu gom, tái chế nhựa. Đồng thời tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và tái chế rác thải nhựa.

Bà Thanh nhấn mạnh, việc tái chế không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn cần sự tham gia của toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn, bao gồm các thương hiệu quốc tế, cũng đang tích cực nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tiên tiến để cải tiến bao bì theo hướng bền vững.

Ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề cấp bách, nhận được sự kêu gọi hành động từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực xây dựng các chính sách quản lý rác thải nhựa, trong đó có cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái chế. Tuy nhiên, để đạt được sự thay đổi thực sự, cần phải có thời gian và sự hợp tác đồng lòng của toàn xã hội.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề này. Việc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, như túi vải và chai thủy tinh, sẽ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Ngoài ra, tham gia vào các hoạt động dọn dẹp môi trường, phân loại rác tại nguồn và tái chế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Trịnh Thái Hà - Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam (NPAP) cho biết, hiện tại khoảng 83% rác thải nhựa được đưa vào các cơ sở tái chế nhờ sự đóng góp của những "thành phần phi chính thức", bao gồm người thu gom ve chai, vựa thu mua và làng nghề tái chế. Họ đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Dương - Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp những người thu gom ve chai là một phần quan trọng trong giải pháp tổng thể. Cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của mạng lưới thu gom ve chai và đưa họ vào chuỗi thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó rác thải nhựa đóng vai trò chủ chốt.