Cả đêm dọn bùn tràn vào nhà
Chiều ngày 20/2, trong quá trình thi công khoan hầm của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, đã xảy ra hiện tượng phụ gia khoan hầm phun lên mặt đất tại khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình.
Tiếp nhận thông tin, chủ đầu tư, liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella và tư vấn giám sát đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Nhận định ban đầu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng với tư vấn và nhà thầu cho hay, nguyên nhân có thể là do dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ, tạo thành các đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất. Các đơn vị đã huy động 6 xe hút bùn, 2 xe rửa đường cùng hơn 100 công nhân đến hiện trường khắc phục sự cố.
Tuy nhiên, ghi nhận sáng 21/2, bùn đất và phụ gia vẫn tiếp tục trào lên trong quá trình đào hầm của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Doanh - sống tại ngõ 7 Giang Văn Minh cho biết, vào khoảng 14h ngày 20/2, người dân bắt đầu thấy hiện tượng bùn trào lên trước cửa số nhà 24. Chỉ 15 phút sau, bùn trào lên dữ dội và tràn vào nhà dân. Thời điểm đó, bùn đất văng lên cao 2-3m, tràn vào sân nhà bà và làm hư hỏng nhiều đồ đạc để ngoài sân. Cả chiều qua, bùn dày đặc tràn ngập ngõ khiến mọi người không thể ra khỏi nhà.
Còn bà Cao Thị Bình cũng sống tại ngõ 7 Giang Văn Minh cho hay, khi bùn tràn vào nhà, bà phải dùng chăn ga, gối đệm để chắn trước cửa, đồng thời rút hết điện. Tuy nhiên, lượng bùn tràn vào sân quá lớn, đã chảy xuống bể nước ngầm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình. Gia đình bà phải vất vả dọn dẹp suốt đêm, mà đến sáng vẫn thấy có hiện tượng bùn đùn lên.

Một cư dân khác tại đây chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến hiện tượng bùn trào lên từ các miệng cống thoát nước. Anh cho rằng, có thể trong quá trình thăm dò và đánh giá tình trạng địa chất, các đơn vị thi công không thể lường trước được sự tồn tại của các giếng ngầm.
Anh cũng cho biết thêm, thời gian qua, người dân trong ngõ 7 đã nhận được một số khuyến cáo từ đơn vị thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Giảm tốc độ của máy đào hầm
Liên quan đến sự cố này, UBND quận Ba Đình cho biết, vào khoảng 15h ngày 20/2, hiện tượng dung dịch bentonite từ các hố khoan thăm dò đã trào lên mặt đường và rãnh thoát nước tại khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh. Ban đầu, hiện tượng này được cho là do áp lực khi máy khoan ngầm từ ga S9 đến ga S10 khoan qua khu vực này.
Ngay khi phát hiện sự việc, quận đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư (MRB) để khẩn trương kiểm tra và khắc phục sự cố. Hiện tượng này sẽ chấm dứt khi máy đào đi qua khu vực.
UBND quận Ba Đình cũng thông tin, lực lượng chức năng của quận và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vẫn túc trực để xử lý nếu có sự cố, không chỉ ở khu vực này mà còn trên toàn tuyến máy TBM đi qua trên địa bàn quận. Do đây là lần đầu tiên Hà Nội tiến hành khoan hầm bằng máy TBM qua khu vực đông dân cư, có thể xảy ra một số sự cố không lường trước được, nên quận Ba Đình đã triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời và khẩn cấp.

Trong khi đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB - chủ đầu tư) cho hay, quá trình thi công đào hầm TBM1, đã xảy ra hiện tượng phụ gia đào hầm phun lên mặt đất tại khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh.
Sau khi tiến hành kiểm tra, chủ đầu tư cùng các tư vấn và nhà thầu xác định nguyên nhân ban đầu có thể là do dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ, đã tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất. Những giếng nước và cống này không còn được sử dụng từ lâu. Trước khi thi công khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đã thực hiện khảo sát kỹ lưỡng dọc tuyến công trình theo đúng quy trình dự án.
Theo MRB, hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đã kết thúc ngay sau khi máy TBM khoan qua và lắp đặt vỏ hầm. Đây là một hiện tượng bình thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm đô thị.
Để giải quyết triệt để sự cố, đại diện MRB cho biết, đơn vị này cùng các chuyên gia đã quyết định giảm tốc độ của máy đào hầm metro Nhổn - ga Hà Nội để tiến hành đánh giá các vấn đề liên quan. Việc giảm tốc độ máy đào sẽ giúp giảm áp lực từ phía dưới, từ đó ngừng hiện tượng phụ gia trào lên mặt đất.

Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, bao gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao kéo dài từ ga Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5 km (đã đi vào khai thác thương mại), còn đoạn ngầm từ ga Cầu Giấy đến ga Hà Nội dài 4 km.
Dự án được khởi công vào năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng đã bị lùi tiến độ nhiều lần, và hiện dự kiến sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027.
Vào sáng ngày 3/2, MRB cùng với các tư vấn và nhà thầu đã tiến hành khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM thứ hai, mang tên "Táo bạo," cho đoạn tuyến đi ngầm của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Theo kế hoạch, tổng thời gian khoan từ khi bắt đầu sử dụng máy TBM đầu tiên đến khi hoàn thành máy TBM số 2 là 16 tháng. Sau khi khoan xong tại ga S12, các máy TBM sẽ được tháo dỡ tại ga này, và hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được vận chuyển và tháo dỡ tại ga S9 - Kim Mã.
Tổng hợp