TP. HCM: Lo ngại hàng hóa phục vụ Tết bị đứt gãy cục bộ vì ùn tắc giao thông

Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM chia sẻ, nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn, doanh nghiệp có thể vận chuyển và dự trữ tại các điểm bán. Còn mặt hàng tươi sống phải xử lý, đóng gói tại các điểm bán. Vì vậy, nhóm hàng này có thể gặp phải tình trạng tăng giá hoặc thiếu hụt cục bộ do đứt gãy nguồn cung vì giao thông ùn tắc.

Đơn nhiều mà thu nhập lại giảm

Những ngày cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến nhiều tuyến đường huyết mạch tại TP. HCM xảy ra ùn tắc cả ngày, lẫn đêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân mà còn đang gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ cung ứng hàng hóa.

Một số đại diện các đơn vị kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử và các tổ chức, cá nhân bán hàng qua mạng xã hội tại TP. HCM, phương thức giao hàng phổ biến hiện nay là thông qua đội ngũ shipper. Mặc dù hàng hóa không cồng kềnh, nhưng việc vận chuyển vẫn gặp nhiều thách thức trong tình trạng giao thông tắc nghẽn hiện nay. Điều này dẫn đến đơn hàng bị chậm trễ và phải lưu kho.

Tình trạng tắc đường tại TP. HCM diễn ra nghiêm trọng trong những ngày qua

Anh Nguyễn Văn Hùng (TP. Thủ Đức) - tài xế xe công nghệ chia sẻ, đơn chở khách và giao đồ ăn trong những ngày qua tăng lên rõ rệt. Tài xế dễ dàng có đơn nhưng thu nhập lại thấp hơn trước. Nguyên nhân của việc này là do tắc đường. Ví dụ, anh chở khách về quận 1, bình thường chỉ mất 15 phút, nhưng giờ lên tới 45 phút. Bên cạnh đó, anh cũng lo lắng khi khách hàng không thông cảm và đánh giá 1 sao vì giao hàng muộn.

Anh Hùng cho biết, mỗi ngày anh mở app từ khoảng 6 giờ sáng đến 11 giờ tối. Khoảng nửa tháng trước, trung bình anh kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 300.000 đồng.

Trong khi đó, anh Lại Nguyễn Anh Duy (quận Tân Phú) cho hay, trước đây giao hàng muộn vào giờ cao điểm đã là chuyện khó tránh. Nhưng mấy ngày nay tình trạng kẹt xe diễn ra liên tục, không chỉ vào giờ cao điểm mà cả khi bình thường, khiến chúng tôi mất thêm nhiều thời gian.

Có hôm, anh chỉ cách điểm giao hàng 200m mà phải đứng yên gần 15 phút. Khách gọi liên tục, nhưng anh cũng không thể làm gì được. Giao trễ, bị đánh giá thấp, thu nhập của anh theo đó giảm đi.

Lo lắng hàng hóa tăng giá

Trước tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng càng cận Tết càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ tại TP. HCM đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để vừa cung ứng đủ hàng hóa, vừa đảm bảo quá trình giao nhận đến tay khách hàng.

Ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, dự báo từ ngày 25 - 29 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), sản lượng rau củ quả về chợ đầu mối này sẽ tăng 50%, đạt khoảng 3.500 tấn/ngày. Trong khi đó, nhóm mặt hàng thịt lợn sẽ tăng 100%, tương đương 10.000 - 11.000 con/đêm vào 2 ngày 26 và 27 tháng Chạp.

Lo lắng hàng hóa tăng giá, đứt gãy nguồn cung cục bộ do gặp khó khăn vận chuyển vì tắc đường

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong những ngày cận Tết, chợ đầu mối Hóc Môn đã tăng cường xe lạnh và kho lạnh ở khu vực lân cận, chuẩn bị sẵn sàng để tiếp ứng nhanh chóng ra thị trường. Tuy nhiên, nếu việc lưu thông hàng hóa không được khơi thông thuận lợi, đặc biệt tình trạng ùn tắc giao thông tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như những ngày qua, công tác bình ổn thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Hoàng Phong, các chợ đầu mối luôn là nguồn cung cấp thịt heo nóng chủ yếu cho người dân vào dịp Tết. Nhưng với tình trạng ùn tắc giao thông, ông lo ngại giá thịt có thể tăng mạnh vào những thời điểm nhất định nếu các xe chở thịt không thể đến kịp.

Từ góc độ nhà bán lẻ, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cũng cho hay, tình trạng giao thông đang tác động lớn đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống. Bởi việc giao hàng qua đội ngũ shipper hay xe tải của Saigon Co.op đang gặp khó khăn khi lưu thông trên nhiều tuyến đường.

Ông Sơn chia sẻ, nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn và hàng phi thực phẩm, doanh nghiệp có thể vận chuyển và dự trữ tại các điểm bán. Tuy nhiên, mặt hàng tươi sống phải xử lý, đóng gói tại các điểm bán. Vì vậy, nhóm hàng này có thể gặp phải tình trạng tăng giá hoặc thiếu hụt cục bộ do đứt gãy nguồn cung trong trường hợp giao thông ùn tắc.

Ông Sơn nhấn mạnh, điều lo lắng nhất với các đơn vị phân phối và bán lẻ không chỉ trong dịp Tết, mà còn trong cả ngày thường, chính là khâu lưu thông hàng hóa và duy trì sự ổn định của thị trường tiêu dùng. Dù các đơn vị đã chủ động ứng phó các biến động của thị trường, nhưng với mặt hàng thực phẩm tươi sống, việc nhập hàng hàng ngày và đảm bảo tiêu chuẩn bảo quản luôn là trọng yếu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương đã làm việc với các tỉnh, thành cung cấp hàng hóa chủ lực cho thành phố. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường năm nay cũng gia tăng cả về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào công tác tổ chức thị trường Tết.

Liên quan đến vấn đề vận chuyển và lưu thông hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương TP. HCM sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và bám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho UBND thành phố, đề xuất giải pháp với Bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Tết được thông suốt.