Ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng
Thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để trà trộn hàng giả, hàng nhái, nhập lậu tuần ra thị trường nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM…
Mới đây, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an TP. Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện hơn 13 tấn thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu nhập lậu gồm xúc xích, kẹo và các sản phẩm từ thịt động vật. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm đã chảy nước, không đảm bảo chất lượng. Tổng giá trị lô hàng vi phạm lên tới hơn 1,8 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng vừa phát hiện và tạm giữ gần 3.300 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại quận Thanh Khê, qua đó phát hiện cơ sở này đang bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm do Trung Quốc sản xuất, gồm chai xịt tóc, dầu gội và mặt nạ dưỡng da.
Ngoài ra, cơ sở này còn kinh doanh nước hoa mang dấu hiệu GUCCI, nghi là hàng giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các lô hàng đã bị lực lượng chức năng tạm giữ để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định.
Tình hình hàng giả, hàng nhái ở các địa phương khác cũng đang diễn biến phức tạp. Như tỉnh Long An, lực lượng chức năng vừa tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng phát hiện gần 1,8 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu và đã quá hạn sử dụng, được chuẩn bị để tiêu thụ trong dịp Tết Ất Tỵ 2025…
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2024, các đơn vị thuộc cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ buôn lậu, hang giả, gian lận thương mại (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023).
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM cho biết, hàng lậu và hàng giả không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế mà còn gây bất ổn xã hội, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng trên nhiều phương diện.
Bà Thu cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều đợt truy quét, nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn tồn tại vì mức chế tài xử phạt hiện nay quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng thu được từ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Bà cũng chỉ ra rằng một phần nguyên nhân đến từ người tiêu dùng khi nhiều người vẫn chấp nhận mua hàng giả vì giá rẻ, hoặc do thiếu kiến thức, và thậm chí là thường bỏ qua khi phát hiện sản phẩm giả mạo.
Tick xanh trách nhiệm
Trước tình trạng này, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng hàng hóa trong dịp Tết đến tay người tiêu dùng. Một trong những giải pháp nổi bật là chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, hiện đã thu hút sự tham gia của 9 nhà phân phối.
Chương trình này không chỉ nâng cao trách nhiệm giám sát chất lượng hàng hóa giữa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, mà còn đóng vai trò như một bộ lọc quan trọng, giúp ngăn ngừa những sản phẩm kém chất lượng xâm nhập vào thị trường.
Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. HCM cho hay, Sở yêu cầu tất cả hệ thống phân phối và cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa và xác định rõ nguồn gốc của sản phẩm khi bán ra cho người dân trên địa bàn thành phố. Sở yêu cầu các nhà bán lẻ cung cấp nguồn hàng ổn định và khuyến cáo người dân tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, đây là năm lần đầu tiên thành phố triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa mang tên "Tick xanh trách nhiệm", với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường dựa trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.
Chương trình này giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt giữa sản phẩm "trách nhiệm" và sản phẩm kém chất lượng. Cụ thể, các hệ thống bán lẻ sẽ triển khai các giải pháp nhận diện tại điểm bán như quầy, kệ "Tick xanh trách nhiệm" hoặc gắn logo "Tick xanh trách nhiệm" lên bao bì sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất có trách nhiệm, đồng thời giúp loại bỏ các nhà sản xuất chỉ chạy theo lợi nhuận.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM khẳng định, đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn phục vụ Tết Ất Tỵ 2025, mà còn là giải pháp căn cơ, tạo nền tảng xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững thông qua cam kết trách nhiệm ở từng khâu, từ nuôi trồng, chế biến, lưu thông đến phân phối hàng hóa.
Sở Công Thương TP. HCM cũng hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận diện dấu hiệu hàng giả, hàng nhái và hàng hết hạn sử dụng, đồng thời khuyến khích người dân ưu tiên mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất.
Đồng thời khuyến nghị người dân nên mua sắm qua các chương trình khuyến mãi đã được Sở xác nhận, do TP.HCM và các quận huyện, TP. Thủ Đức phát động hoặc từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Những chương trình giảm giá này sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí trong dịp Tết.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. HCM cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng buông lỏng. Đặc biệt, đối với việc chống hàng giả trong môi trường thương mại điện tử, Cục sẽ đẩy mạnh thu thập thông tin, xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết phải siết chặt quản lý việc buôn bán qua thương mại điện tử và thiết lập các chế tài rõ ràng đối với trách nhiệm của các chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nhằm nâng cao tính minh bạch của các website bán hàng trực tuyến.
Điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua kênh chuyển phát nhanh. Ngoài ra, các hộ bán hàng online tại nhà cũng cần phải đăng ký kinh doanh để các cơ quan chức năng có thể giám sát và xử lý đúng quy định.