Mới đây, UBND TP. HCM đã có tờ trình HĐND thành phố về việc ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí với mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm học tiếp theo.
Theo đó, mức học phí được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 gồm TP. Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và Bình Tân. Nhóm 2 gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.
Trong đề xuất, nhóm 1 được giảm nhiều nhất ở cấp THCS, từ 300.000 đồng/tháng xuống còn 60.000 đồng/tháng. Các cấp học còn lại, học phí giảm từ 100.000 - 180.000 đồng mỗi tháng. Với nhóm 2, thành phố chỉ đề xuất giảm cho bậc THCS và THPT, lần lượt là 70.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng.
Trước thông tin UBND TP. HCM đề xuất giảm học phí cho học sinh trong năm học 2024 - 2025, nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng khi nỗi lo các khoản thu đầu năm học được giảm bớt, đặc biệt với gia đình có thu nhập trung bình hoặc đông con đi học.
Chị Trần Thu Anh (ngụ Bình Tân) chia sẻ, tuy khoản miễn giảm học phí không lớn so với nhiều chi phí khác nhưng sẽ bớt gánh nặng đối với gia đình có thu nhập thấp, người dân sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là chính sách nhân văn, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với nhiều phụ huynh. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục học tập, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Lê Thị Phương (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có 3 con đang học lớp 2, 4 và 7. Vợ chồng chị đều làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng gần 17 triệu/tháng. Chị Phương chia sẻ, gia đình có điều kiện và có 1 con đi học thì vài trăm nghìn học phí mỗi tháng không nhiều. Nhưng với gia đình đông con, học phí cùng các khoản chi khác tạo ra sức ép không nhỏ. Thế nên chị rất vui khi nghe có thông tin giảm học phí.
Trong tờ trình, UBND TP. HCM cho rằng, điều chỉnh học phí năm học 2024 - 2025 về lại mức đã ban hành cho năm học 2021 - 2022 làm giảm nguồn thu của các trường, ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính mà các đơn vị đã xây dựng. Việc này có thể dẫn đến phải điều chỉnh phương án tự chủ tài chính, phân loại tự chủ và mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các đơn vị do nguồn thu bị giảm, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị.
Thạc sĩ Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP. HCM) đánh giá, chính sách trên của thành phố là nhân văn và có tác động tích cực với ngành Giáo dục. Thầy Khoa dẫn chứng, nếu không được hỗ trợ học phí, ở cấp THCS, mỗi phụ huynh phải đóng khoảng 2,7 triệu đồng/năm (tương ứng 300.000 đồng/tháng/học sinh cho năm học 9 tháng). Với chính sách này, học phí THCS là 60.000 đồng/tháng, tương ứng 540.000 đồng/năm, tức là giảm khoảng 5 lần so với mức cũ.
Theo thầy Khoa, không chỉ san sẻ với những gia đình khó khăn, chính sách trên còn tác động về tâm lý, xã hội, ngay cả với phụ huynh có thu nhập khá. Bởi người dân sẽ cảm thấy chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục. Phụ huynh sẽ càng quan tâm hơn tới việc học của con.
Nhiều lãnh đạo các trường phổ thông tại TP. HCM cho biết, vài năm trước, khi tình hình đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm và đời sống của người dân, HĐND thành phố đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phần chênh lệch học phí tăng thêm, nhằm góp phần bình ổn giá và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân.
Qua 3 năm triển khai, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân. Do đó, đề xuất giảm học phí mới đây của TP. HCM sẽ có ý nghĩa tích cực với người dân. Trên thực tế, trong năm học qua, thành phố cũng đã hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THCS.