Theo chương trình phát triển nhà ở TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở thành phố đặt ra là 50 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở thương mại 15,5 triệu m2 sàn, nhà ở riêng lẻ tự xây dựng dựng của hộ gia đình 32 triệu m2 sàn, nhà ở xã hội (NOXH) đạt 2,5 triệu m2 sàn. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 đạt 23,5 m2/người.
Trong khi đó, trong đề án về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, TP. HCM phải xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn.
Đối các dự án NOXH và nhà ở cho công nhân, tính từ năm 2021 đến tháng 6/2024, TP. HCM mới hoàn thành 4 dự án gồm 3 dự án NOXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ và có 6 dự án đang thi công với tổng quy mô 4.386 căn.
Trước đó, báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thành phố mới phát triển được gần 3 triệu m2 sàn, đạt 36,5% chỉ tiêu năm 2024 (8 triệu m2 sàn). Trong đó, có 2,013 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; 852.000 m2 sàn nhà ở thương mại; 51.000 m2 sàn NOXH.
Tính từ năm 2021 đến tháng 6/2024, tổng diện tích xây dựng mới là 22,6 triệu m2 sàn, đạt 45,3% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Để đạt được chỉ tiêu tối thiểu 40 triệu m2 sàn thành phố mới đặt ra, TP. HCM cần phát triển 17,34 triệu m2 sàn, tương đương mỗi năm phải phát triển bình quân 8,7 triệu m2 sàn.
Cần phải nhắc lại đây là chỉ tiêu tối thiểu, còn với mục tiêu đặt ra tại kế hoạch, TP. HCM phải phát triển thêm khoảng 27,34 triệu m2 sàn, tức mỗi năm phải phát triển bình quân khoảng 18,22 triệu m2 sàn. Đây là con số quá lớn mà toàn thành phố chưa từng đạt được trong các giai đoạn trước, ngay cả khi thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn hưng thịnh nhất.
Lý giải việc thực hiện phát triển nhà ở tại TP. HCM đạt tỷ lệ thấp, Sở Xây dựng cho biết, lĩnh vực nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều Luật khác nhau như Luật Đầu tư, quy hoạch đô thị, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... nhưng các luật này lại chưa đồng bộ, thống nhất. Thậm chí, một số nội dung còn chồng chéo dẫn đến tình trạng xung đột khi áp dụng.
Cùng với đó, Chính phủ kiểm soát chặt kinh tín dụng, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như việc tăng lãi suất huy động kể từ năm 2022 đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, người dân khó tiếp cận vốn vay, thanh khoản thị trường ảm đạm.
Quyết liệt triển khai giải pháp tháo gỡ
Chỉ thị 12 về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025 của UBND TP. HCM nêu rõ, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao, thành phố xác định tập trung 3 động lực truyền thống gồm: thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thực hiện chi tiêu công hiệu quả; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Ngoài những động lực chung, liên quan đến mục tiêu nhà ở, UBND TP. HCM giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng và trình kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án NOXH, nhà tái định cư và đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ bị hư hỏng xuống cấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng NOXH.
Trước đó, để đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho các dự án NOXH, lãnh dạo TP. HCM đã phân các dự án thành 5 nhóm vấn đề vướng mắc, giải quyết để tập trung tháo gỡ.
Cụ thể, nhóm 1 tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án; nhóm 2 sắp xếp trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng; nhóm 3 đảm nhận quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ NOXH trong dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha; nhóm 4 thúc đẩy đầu tư các dự án NOXH bằng nguồn vốn ngân sách; nhóm 5, phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư cho các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngoài ra, đẩy nhanh công tác xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại các dự án; tháo bỏ vướng mắc trong việc cấp quyền sử dụng đất, nhà ở cho các nhà đầu tư và người dân đã mua nhà trong dự án. Cùng với đó, tiếp tục kiến nghị với trung ương để tháo gỡ vướng mắc chính sách của thị trường nhà ở nói chung và NOXH nói riêng.